Có một cô gái kỳ lạ xuất hiện bên cạnh thanh mai trúc mã của tôi, đối với anh ân cần hỏi han và chăm sóc vô cùng chu đáo.

Tôi lòng tốt nhắc nhở cô ấy:

“Anh ta không bình thường đâu, tin tôi đi, cô dính dáng đến anh ta thì sẽ chẳng có kết cục tốt đẹp gì.”

Cô gái ấy tỏa ra ánh hào quang chói mắt, vẻ mặt đầy chính trực, che chắn cho trúc mã phía sau lưng:

“Tôi không cho phép cô nói như vậy! Anh Thụy là một người rất tốt! Cô căn bản không hiểu anh ấy.”

Tôi không nhịn được đưa tay lên đỡ trán:

“Cô là người từ Nhà thờ Đức Bà Paris bước ra đấy à?

Cô nói anh ta là người tốt, ngay cả bản thân anh ta còn chẳng tin.”

Cô gái ấy tức giận lườm tôi một cái rồi kéo trúc mã đi mất.

Ở góc rẽ, trúc mã quay đầu lại, đưa ngón tay lên môi, dùng ánh mắt khiêu khích nhìn tôi.

“Đúng là có bệnh.”

Tôi chửi thầm.

1
Thanh mai trúc mã của tôi không phải là người bình thường.

Anh ta có một người cha trăng hoa nhưng rất giỏi kiếm tiền, và một người mẹ đầu óc có vấn đề, yêu thích những bức tranh đẫm máu.

Với gia cảnh như vậy, ai nhìn vào cũng phải cảm thán một câu: Thật đáng thương.

Hai nhà chúng tôi có mối quan hệ lâu năm, mẹ tôi đau lòng vì anh ta nên luôn tạo cơ hội cho hai chúng tôi trở thành bạn.

Nếu anh ta bước chân vào giới giải trí, tôi nghĩ chẳng mấy chốc sẽ thấy anh ta trở thành Ảnh đế trẻ nhất trong lịch sử.

Trước mặt người lớn, anh ta luôn tỏ ra yếu đuối, vô tội, ngây thơ và đáng thương.

Đôi mắt đen tròn, khóe mắt cụp xuống, nhìn hiền lành không thể tả, khiến ai cũng cảm thấy anh không có chút sát khí nào.

Có lẽ do tôi còn nhỏ, nên trước mặt tôi, anh ta không thèm giả vờ gì cả.
Tôi cũng không thèm quan tâm.

Tôi hiểu rõ ý nghĩa của câu nói “Nước sông không phạm nước giếng”.

Cho nên chỉ cần anh ta không chọc tôi, tôi cũng không rảnh làm phiền anh ta.

Lúc nhỏ, hai chúng tôi thường có thể yên ổn cùng nhau trải qua một buổi chiều.

Anh ta đọc sách của anh ta, tôi chơi đồ chơi của tôi, không ai quan tâm đến ai, hai chúng tôi cứ như ở hai thế giới hoàn toàn khác nhau.

Lúc tôi 4-5 tuổi, có một con bướm rất đẹp nhưng sắp chết bay vào nhà anh ta.

Khi tôi vào, đúng lúc thấy anh ta cầm con bướm trong tay, chăm chú nhìn nó chằm chằm, không biết anh đang suy nghĩ gì.

Tôi hỏi: “Là anh làm nó thành ra thế này à?”
Anh ta chậm rãi ngẩng đầu, đôi mắt đen sâu không gợn sóng nhìn tôi đáp:

“Không.”

Thôi được, dù sao anh ta cũng chẳng thèm lừa tôi.

Tôi ghé lại nhìn con bướm trắng muốt ấy, khách quan nhận xét:

“Nó sắp chết rồi, anh không kêu bác sĩ thú y giúp nó à?”

“Chắc không kịp nữa.” Giọng nói trẻ con nhưng có phần lạnh lùng vang lên.

Đôi cánh của con bướm khẽ run rẩy, chiếc cánh trái to rộng trắng muốt bị xé rách, nằm trên tay anh ta, trông đau đớn đến tột cùng.

Anh ta lấy vài tờ giấy ăn lót lên bàn, đặt con bướm lên, sau đó cầm một cuốn sách dày, nhanh gọn đập xuống.

Hành động của anh ta dứt khoát như dòng nước chảy, biểu cảm không chút nào thay đổi.

Thấy vậy, tôi lập tức chỉ trích:

“Anh chẳng có tí lòng tốt nào, thật tàn nhẫn.”
Anh ta thản nhiên nói: “Lòng tốt vô dụng chỉ khiến nó đau khổ hơn thôi.”

2
Sau này lên tiểu học, khi 7 tuổi, chúng tôi cùng ngồi trên sân chơi, cùng nhau chia bánh mì ăn.

Tôi biết anh ta chẳng hứng thú gì với đồ ăn, nhưng nếu là tôi chia, anh ta nhất định lấy, vì vậy chỉ cần tôi đưa là anh ta sẽ nhận.
Chiều hôm đó, ánh hoàng hôn đỏ như máu, nhuộm nửa bầu trời, rực rỡ đến chói mắt.

Vừa nhìn bầu trời anh ta vừa nói, anh bảo rằng rất chán ghét mẹ mình, muốn đưa người phụ nữ điên ấy vào bệnh viện tâm thần.

Tôi vừa nhai bánh mì vừa thờ ơ “ồ” một tiếng, tôi chỉ tưởng đó là lời nói vu vơ của anh.

Nhưng ngày hôm sau, anh ta không đến trường.

Tôi thấy hơi lạ, buổi trưa liền về nhà, nói với mẹ rằng hôm nay anh ta không đi học.

Mẹ tôi đột nhiên hốt hoảng dẫn tôi tới nhà anh ta.

Từ căn phòng trong cùng, anh ta được mọi người cứu ra, toàn thân anh đầy máu.

Khi anh ta được nhân viên cứu hộ bế ra, trên đầu anh bị giật mất một mảng da, mắt nửa nhắm nửa mở, môi tái nhợt, mặt còn in dấu tay.

Cánh tay gầy trắng mềm rũ xuống, đầy vết xước, máu dính khắp nơi, chảy dọc xuống các đầu ngón tay.

Chân phải anh ta bẻ gập theo một tư thế cực kỳ kỳ dị, quần áo rách rưới, giày chẳng biết đã rơi đi đâu.

Tôi vốn đang nhâm nhi ly sữa của mình, nhưng khi nhìn thấy cảnh tượng đó, ly sữa trong tay giống như một món ăn cực kỳ dở tệ, khiến tôi buồn nôn không ngừng.

3
Anh ta cuối cùng cũng đạt được nguyện vọng, đưa mẹ mình vào viện tâm thần, và chính mình cũng vào bệnh viện.

Phòng bệnh tư rất lớn, có camera giám sát, nhưng may là không có ghi âm, nên chúng tôi có thể thoải mái trò chuyện.

Người lớn để chúng tôi – hai đứa trẻ thân thiết – có thời gian riêng tư của mình.

Tôi vừa ngồi trên giường bệnh, vừa ăn táo.

Anh ta có vẻ khó chịu nói: “Cô ra chỗ khác ăn đi.”

Tôi thấy anh ta khó chịu thì lại rất vui: “Không.”

Anh ta lại thay đổi ý định: “Thế thì lấy cho tôi một quả, tôi cũng muốn ăn.”

Tôi lườm anh một cái: “Tự mà lấy.”

“Tôi là bệnh nhân!” Anh ta hùng hồn lý luận.

“Tôi đâu phải bác sĩ!” Tôi phản bác lại.

“Không phải cô đến đây là để chăm sóc tôi sao?” Anh ta nói với vẻ mặt đáng thương.

Tôi suýt thì không phản ứng kịp, tức đến mức nhai táo phát ra tiếng rôm rốp:

“Nói cho rõ nhé, tôi đến thăm anh, không phải chăm sóc anh!”

Không chịu nổi bộ dạng giả đáng thương của anh ta, tôi đứng dậy định đi, thì anh ta đột nhiên kéo tay tôi lại, yếu ớt nói với giọng nghẹn ngào: “Cô không thể thương hại tôi một chút được sao?”
Tôi không chút do dự hất tay anh ta ra: “Không.”
“Hứ.”

Anh ta trùm chăn kín người, vừa đủ để tôi nghe thấy, thì thầm:

“Mau biến đi, tôi không muốn thấy cô.”

Tôi lại thích làm ngược lại, liền ngồi xuống, vỗ lên cái chăn đang phồng lên: “Đừng trốn nữa, ra đây chơi với tôi đi!”

Anh ta thò đầu ra, đôi mắt ướt rượt như cún con: “Tôi không muốn chơi với cô.”

“Tôi cóc quan tâm.”

Tôi cười gian: “Tôi cứ muốn chơi với anh, anh chết rồi chôn dưới đất, tôi cũng sẽ đào anh lên chơi cùng.”

“Được thôi.”

Anh ta cười nhếch môi: “Nói là giữ lời nhé.”

4
Khi vừa lên cấp hai, gần khu vực tôi sống có vài tên du côn hay đi khắp nơi cướp bóc.

Do thân phận của chúng tôi được bảo vệ kỹ, nên ngoài lúc đến trường và tan học, bên cạnh không có vệ sĩ.

Thỉnh thoảng chúng tôi sẽ trèo tường ra ngoài chơi vào buổi trưa, vì vậy nên đã trở thành mục tiêu bị cướp.

Cả hai bị chặn trong con hẻm nhỏ. “Chiếc đồng hồ thông minh của tôi đã gửi định vị đi rồi, chỉ cần câu giờ là được.” tôi nói nhỏ.

Không ngờ tên ngốc bên cạnh tôi, vừa bị dọa đã vờ sợ hãi, còn cố ý tiết lộ đồng hồ của mình rất giá trị, thế là bị cướp mất.

Nhưng tại sao đồng hồ của tôi cũng bị lấy luôn vậy?

Sau khi bọn cướp đi, anh ta lập tức không diễn nữa.

Tôi dựa vào tường, hỏi: “Anh định làm gì?”

Anh ta cười khẩy: “Chiếc đồng hồ đó, giá trị bảy con số.”

Tôi nghẹn họng ngay tại chỗ.

Về nhà lập tức báo cảnh sát.

Dựa vào hệ thống định vị, chúng tôi dễ dàng bắt được bọn chúng, cho bọn chúng một vé vào tù để hối cải.

5
Vừa vào cấp ba, gia đình anh ta phá sản, cha vào tù, mẹ thì tự sát trong viện tâm thần.

Người ta thấy vậy đều dồn ép, xem anh ta như trò cười.

Thế nhưng anh ta vẫn đến trường mỗi ngày, thành tích học lại xuất sắc, và sống dựa vào học bổng.

Người giám hộ của anh ta trở thành ông ngoại, người rất ghét anh, suốt ngày đánh mắng anh.

Anh ta chuyển vào khu ổ chuột, cánh cửa tồi tàn thường xuyên bị sơn đỏ bôi đầy.

Cuộc sống của anh ta chẳng khác gì chuột chạy qua đường, vô cùng khó khăn.

Từ đó, chúng tôi chẳng còn liên hệ gì nhiều, cho đến khi cô gái ấy xuất hiện.

6
Cô gái ấy họ Trần, tên là An An.

Trần An An gia cảnh bình thường, gương mặt khá thanh thuần, tính cách hoạt bát, rất được yêu thích.

Sau một vụ tai nạn xe hơi, Trần An An đột nhiên bắt đầu tiếp cận Giang Thụy.

Tôi cho người điều tra về cô ấy, và phát hiện hình như đầu óc cô ấy có chút vấn đề, tự cho mình là ánh sáng của Giang Thụy, nghĩ rằng mình đến để cứu rỗi anh ta.

Tôi thầm nghĩ, lại thêm một kẻ ngốc bị Giang Thụy lừa gạt.

7
Tôi không quan tâm đến họ nữa, vì tôi vốn không phải kiểu người nhiệt tình.

Nhưng một ngày nọ, Giang Thụy bị bắt cóc.

Tôi biết đó là cái bẫy, nhưng vẫn đi.

Căn nhà máy cũ đầy mùi mục rữa, bị một trận hỏa hoạn thiêu rụi sạch sẽ.

Giang Thụy yếu ớt dựa vào vai tôi.

Tôi lạnh lùng mỉa mai: “Sao lại tự biến mình thành thảm hại thế này nữa?”

Anh ta cười khẽ, chậm rãi nói: “Đau quá…”

“Đáng đời.”

“Lâm Du.” Anh ta đột nhiên gọi tên tôi.

“Gì?” Tôi sốt ruột.

Anh ta nhìn tôi chăm chú, đôi mắt đen sáng trong veo, tinh khiết như chú nai nhỏ ngây thơ chưa trải sự đời.

Giọng nói trầm ấm, mềm mại vang lên bên tai tôi, như tiếng thì thầm của người tình:

“Cô đến để cứu tôi sao?”

“Không.”

Tôi nhanh chóng trả lời, “Tôi đến để nhặt xác anh, ai ngờ lại đến sớm.”

Giang Thụy không hài lòng với câu trả lời, quay đầu đi không thèm để ý đến tôi nữa.

Nhìn khuôn mặt nghiêng hoàn hảo của anh ta, tôi bỗng nhớ đến những câu chuyện cổ tích, nơi ác quỷ luôn khoác lên mình lớp da tuyệt mỹ để dễ dàng lừa gạt người khác.

Quả nhiên, cổ tích chẳng bao giờ lừa dối.