10
Từ nhỏ, tôi đã biết mình cần phải ngoan ngoãn và hiểu chuyện.
Mẹ tôi sức khỏe không tốt, bệnh tật liên miên.
Mẹ có những viên thuốc đủ màu sắc uống không ngừng, và những mũi tiêm không bao giờ kết thúc.
Ngày qua ngày nuốt những viên thuốc đó, đêm đến lại chịu đựng những mũi tiêm lạnh lẽo.
Tôi luôn ngoan, luôn nghe lời, chỉ sợ khiến mẹ buồn.
Ba tôi ngoài công việc còn phải chăm sóc mẹ, ông bận đến mức không còn thời gian cho bản thân.
Dù là người đàn ông cứng rắn, nhưng tôi không ít lần bắt gặp ông lén lau nước mắt.
Hồi nhỏ, tôi thường thức dậy và thấy mình nằm trong phòng của bảo mẫu.
Lúc đó tôi biết, đêm qua mẹ lại trở bệnh nặng, ba đã đưa mẹ đến bệnh viện ngay trong đêm.
Ngoài nhà mình, nơi tôi ở nhiều nhất chính là nhà dì Yến.
Dì Yến hiền lành, đối xử với tôi như con ruột.
Chú Hùng cực kỳ chiều chuộng tôi, coi tôi như công chúa nhỏ mà nâng niu.
Nhà họ còn có một cậu con trai lớn, nhưng anh ấy không mấy nhiệt tình, luôn giữ vẻ lạnh lùng, chẳng thích nói chuyện.
Cũng may, anh ấy học ở Đức nhiều năm, không thường xuyên về nhà.
Từng có lần, ba mẹ hỏi tôi có muốn giống anh ấy, đi du học nước ngoài không.
Tôi lập tức lắc đầu từ chối.
Tôi thích cảm giác có gia đình bên cạnh, dù họ rất bận rộn, nhưng luôn tận tâm chăm sóc tôi, thấu hiểu cảm xúc của tôi.
Tôi không muốn mẹ chỉ có thể nhìn thấy tôi qua màn hình máy tính.
Tôi sợ bà sẽ khóc.
Mặc dù mẹ cố tỏ ra không để tâm, nhưng khi nghe tôi từ chối đi du học, bà vẫn nở một nụ cười.
Bà hôn lên trán tôi, dịu dàng nói: “Kiều Kiều, con là thiên thần nhỏ của mẹ.”
Tôi đưa đôi bàn tay nhỏ bé ra, lặng lẽ nép vào lòng mẹ.
Thế nhưng, cuộc sống không phải lúc nào cũng yên bình và thơ mộng.
Ngày mẹ ra đi, tôi trốn trong phòng, khóc suốt cả đêm.
Ngày ba ra đi, tôi không khóc.
Tôi không thể khóc.
Ông đã lên thiên đường để gặp mẹ, họ sẽ mãi mãi ở bên nhau.
Tôi nên vui mừng mới đúng.
Dù vậy, tôi hiểu rõ một điều.
Tôi đã mất cả ba lẫn mẹ.
Tôi đã trở thành một đứa trẻ mồ côi.
11
Năm tôi 22 tuổi, vào ngày sinh nhật.
Dì Yến tự tay vào bếp, nấu một bàn đầy những món ngon, chú Hùng thì đặt một chiếc bánh sinh nhật to – loại bánh xôi xoài kem tươi mà tôi yêu thích nhất.
“Kiều Kiều, con phải ước ba điều nhé. Hai điều đầu phải nói to ra, điều thứ ba không được nói, nếu không sẽ không linh đâu,” dì Yến cười hiền hậu nói.
Chú Hùng cũng cười lớn hưởng ứng: “Đúng rồi, đúng rồi, đừng ngại. Mau ước đi, kẻo nến tắt thì không linh nữa đâu.”
Tôi biết, ước nguyện sẽ không thành hiện thực, nhưng lại không muốn làm họ thất vọng.
Vì vậy, trước ánh mắt đầy mong đợi của họ.
Giống như mọi năm.
Dưới ánh nến lung linh.
Tôi nhắm mắt lại, đối diện với ngọn lửa nhỏ, lớn tiếng nói ra điều ước của mình: “Điều ước đầu tiên, mong mọi người luôn bình an, khỏe mạnh.”
“Tốt lắm! Thế còn điều thứ hai?” Chú Hùng vỗ tay hỏi thêm.
“Điều ước thứ hai…” Tôi ngừng lại một chút, tham lam nói, “Hy vọng dì Yến và chú Hùng mỗi năm đều cùng con đón sinh nhật.”
“Hahaha, điều đó thì không thành vấn đề! Sau này sinh nhật của Kiều Kiều, chúng ta bao hết!” Dì Yến kéo tay tôi, mặt rạng rỡ hạnh phúc.
Tôi gật đầu, định ước điều thứ ba, thì dì Yến nhắc nhở: “Điều cuối cùng không được nói ra đâu nhé.”
“Vâng, con biết rồi.”
Tôi khẽ gật đầu, lòng bỗng dâng lên một cảm giác xót xa.
Khoảnh khắc đó, tôi đặc biệt nhớ đến ba mẹ đang ở trên thiên đường.
Ước nguyện chỉ là lời nói dối.
Nếu không, mỗi năm tôi đều ước mẹ luôn khỏe mạnh, sống lâu trăm tuổi.
Thế nhưng, mẹ vẫn rời xa tôi, ba cũng ra đi theo bà.
Nếu ước nguyện có thể thành sự thật,
Nếu điều ước có thể linh nghiệm,
Tôi nén lại đôi mắt cay cay, không để nước mắt rơi, lặng lẽ nói điều ước thứ ba trong lòng.
Tôi mong có thể làm gia đình với dì Yến và chú Hùng, mãi mãi là một gia đình.
12
“Thiếu gia về rồi.” Cô Ngô bước vào báo tin.
Hầu như ngay khi tôi vừa ước xong điều thứ ba và chưa kịp thổi nến, Tống Nghiên đã trở về.
Anh cầm một bó hoa cát tường trên tay, những bông hoa xanh trắng tinh tế làm nổi bật khuôn mặt tuấn tú, có chút mệt mỏi của anh.
Chiếc áo khoác xanh đậm hơi xộc xệch, trông như vừa vội vã quay về.
Cát tường là loại hoa tôi yêu thích nhất.
Những năm trước, vào ngày sinh nhật, tôi thường tự mua cho mình một bó nhỏ.
Không biết từ khi nào, thói quen mua hoa của tôi đã bị Tống Nghiên phát hiện.
Anh có lẽ không biết nên tặng tôi món quà gì.
Vì vậy, mỗi năm anh đều tặng tôi một bó hoa.
Dù ở nước ngoài, anh cũng đặt trước để chắc chắn hoa được giao đến tay tôi đúng ngày sinh nhật.
Dì Yến nhìn thấy Tống Nghiên bất ngờ xuất hiện, lập tức vui vẻ, kéo anh vào lòng.
Vừa trách móc vừa yêu thương, bà nói: “Về mà không báo trước, ít nhất cũng để chúng ta chuẩn bị chứ.”
“Đúng lúc ở Đức đã kết thúc khóa học, nên con tranh thủ về sớm.”
Tống Nghiên buông dì Yến ra, bước đến trước mặt tôi, cầm theo bó hoa cát tường.
Anh khẽ mỉm cười, giọng nói trầm ấm và chân thành: “Chúc mừng sinh nhật, mong mọi điều ước của em đều thành hiện thực.”
Khoảnh khắc đó, ánh mắt tôi dao động, trong lòng dâng lên cảm giác tội lỗi như đang “trộm” ba mẹ của người khác.
Tôi đúng là kẻ xấu xa.
Tống Nghiên chân thành chúc phúc, còn tôi lại có suy nghĩ không trong sáng, muốn chia sẻ bố mẹ của anh.
Lương tâm tôi dằn vặt, khiến tôi cảm thấy đau nhói.
Tôi cúi đầu, nhận lấy bó hoa cát tường, cố gắng kìm nén cảm xúc đang xáo trộn trong lòng.
Khẽ nói với anh: “Cảm ơn anh.”
Bên kia, chú Hùng không thể chờ thêm, liền thúc giục: “Được rồi, được rồi, mau thổi nến đi, nến sắp tắt rồi đấy.”
“Vâng.”
Tôi nghĩ rằng, như mọi năm, điều ước của mình sẽ không thành hiện thực.
Nhưng không ngờ rằng.
Một ngày nào đó.
Điều ước tham lam của tôi lại trở thành hiện thực bằng cách này.
Tôi chưa bao giờ nghĩ rằng mình có thể thông qua cách này để trở thành người một nhà với dì Yến và chú Hùng.
Sau này, dì Yến là mẹ chồng tôi, chú Hùng là ba chồng tôi.
Tôi không còn phải ghen tị với Tống Nghiên, hay âm thầm ao ước được chia sẻ ba mẹ của anh nữa.
13
Những ngày sau kết hôn trôi qua bình yên, nhưng khá hạnh phúc.
Điều thay đổi lớn nhất là giờ tôi ngủ, bên cạnh có thêm một anh chồng đẹp trai.
Sáng sớm thức dậy trong vòng tay ấm áp của anh ấy, tôi mở mắt ngái ngủ.
Chỉ là tôi luôn cảm thấy như thiếu đi điều gì đó.
“Thiếu yêu đấy mà.”
Phí Văn cầm cốc cà phê, nhìn tôi với vẻ thích thú và châm chọc.
Tôi liếc cô ấy một cái đầy bất mãn.
Tôi phủ nhận ngay: “Không có.”
Tôi không phải kiểu người dễ dàng yêu ai, và cũng chỉ thân thiết được với người nhà họ Tống.
Cô ấy xoa cằm, nở nụ cười ranh mãnh: “Tôi tò mò đấy, cậu thực sự không có chút cảm giác nào với Tống Nghiên à?”
Tôi cắn môi, đỏ mặt, thì thầm: “Không phải hoàn toàn không có, dù gì cũng lớn lên cùng nhau mà.”
“Thật không? Chỉ là tình cảm lớn lên cùng nhau thôi?” Cô ấy chu môi, nhìn tôi chằm chằm.
Bị nhìn đến khó chịu, tôi che đôi má nóng bừng, lắp bắp nói: “Được rồi, có đấy, có đấy.”
Tôi cũng không rõ mình bắt đầu rung động từ khi nào.
Có lẽ là vào cái đêm bố tôi qua đời, khi anh ôm tôi và thì thầm: “Em không cô đơn, em còn có chúng tôi.”
Hoặc là vào đêm sinh nhật 22 tuổi, khi anh nhìn tôi bằng đôi mắt sâu thẳm, nói: “Chúc mừng sinh nhật, mong mọi điều ước của em đều thành hiện thực.”
Chỉ là, tôi không phải người dễ bộc lộ cảm xúc.
Còn Tống Nghiên thì luôn lạnh lùng, xa cách.
Vậy nên, tôi luôn cố gắng tránh mặt anh khi có người, nhưng lại lén nhìn anh khi không ai để ý.
“Này, tỉnh lại đi, bé yêu.” Phí Văn thấy tôi thất thần, liền vẫy tay trước mặt tôi.
Tôi bĩu môi, lại lườm Phí Văn một cái rõ sắc.
Cô ấy chẳng để tâm, vuốt tóc dài, xoắn vào ngón tay, rồi tiếp tục nói: “Cậu ấy à, giống y như An Ninh. Cô ta được bố mẹ nuông chiều quá mức, thành ra chẳng hiểu gì về đàn ông, hồ đồ kết hôn.”
“Đấy, giờ thì hay rồi, ly hôn làm ầm lên, ai cũng biết, vài lần còn lên cả hot search.”
“May mà cô ta chưa có con, nếu không thì chẳng dễ dàng thoát thân.”
An Ninh là một cô bạn thân khác của tôi.
Hôm giao thừa, vì nhà chồng không cho cô ấy ngồi ăn cùng bàn, cô tức giận đến mức lật luôn bàn ăn, quyết định ly hôn, đuổi cả gia đình chồng ra khỏi nhà.
Người nói vô tình, người nghe hữu ý.
Đột nhiên, trong đầu tôi lóe lên một ý tưởng.
Đúng rồi!
Con cái!
Không có con, ly hôn xong hai người chẳng còn quan hệ gì.
Nhưng nếu có con làm dây buộc, dù sau này tôi và Tống Nghiên ly hôn, vẫn có con để làm cầu nối.
Và tôi vẫn có thể quay lại tìm chú Hùng và dì Yến.
Nghĩ đến đây, tôi phấn khích đến mức đập mạnh xuống bàn rồi đứng bật dậy.
Không quan tâm đến ánh mắt kinh ngạc của mọi người xung quanh,
Tôi nắm chặt tay Phí Văn, mỉm cười rạng rỡ: “Chị, chị đúng là thiên tài! Cảm ơn chị nhiều lắm!”
Phí Văn tròn mắt ngơ ngác.
Tôi ôm lấy mặt cô ấy, thơm một cái: “Chị đúng là thần thánh trong lòng em!”
Rồi trước ánh mắt bàng hoàng của cô ấy, tôi nhẹ nhàng rời đi.
Đến cửa, tôi chợt quay lại, lấy đi chiếc túi xách màu đỏ trên ghế.
“Cảm ơn quà cưới nhé! Cà phê nhớ thanh toán nha, sayonara~”
14
Tôi là kiểu người nói là làm.
Đã quyết định sinh con thì phải bắt tay vào nghiên cứu ngay chuyện mang thai.
Mới đây tôi vừa khám sức khỏe, tất cả các chỉ số đều bình thường.
Là trợ lý, tôi cũng biết báo cáo sức khỏe của Tống Nghiên– mọi thứ đều ổn.
Anh không hút thuốc, rượu chỉ uống khi tiệc tùng, và theo tài liệu tôi tìm hiểu thì không ảnh hưởng đến khả năng thụ thai.
Tối hôm đó, tôi tắm rửa sớm, chuẩn bị sẵn sàng.
Khi Tống Nghiên vào phòng, tôi liền nhào vào anh, nói: “Chồng ơi, chúng ta sinh em bé nhé!”
Tống Nghiên phản ứng nhanh nhẹn, đỡ tôi thật chắc, vừa bất lực vừa buồn cười: “Khỏe lại rồi sao?”
Tôi ngượng ngùng quay mặt đi.
Nói thật, ngoài đêm đầu tiên, những ngày sau tôi luôn lấy cớ cơ thể không khỏe để tránh sự gần gũi của anh.
Nhưng nhờ thời gian sống chung, chúng tôi cũng thân thiết hơn nhiều.
Những cử chỉ như ôm ấp giờ đã trở nên rất tự nhiên.
Sợ anh hỏi thêm những câu khiến tôi xấu hổ, tôi chủ động kéo đầu anh xuống, hôn thật sâu.
“Ưm!” Anh khẽ rên một tiếng, lập tức chuyển từ bị động sang chủ động.
Tay anh luồn qua, một tay siết chặt eo tôi, tay kia trượt vào trong lớp áo.
Lần này, động tác của anh thành thục hơn hẳn.
Một cảm giác tê tê lan từ xương cụt, dọc theo sống lưng, chạy thẳng lên não.
Như pháo hoa được châm ngòi, bùng nổ rực rỡ trong khoảnh khắc.
…