Tôi luôn giả vờ là học sinh ngoan trước mặt đại ca trường – Phí Dã.

Cho đến một lần hỗn chiến trong quán bar, anh cầm gậy bóng chày, tôi cầm chai bia, cả hai nhìn nhau chết trân.

Phí Dã: “Thẩm Chiêu Chiêu, sao cậu lại ở đây? Nói xem nào?”

Tôi cố biện minh: “Tôi nói tôi đến quán bar để ăn trái cây, cậu tin không?”

Phí Dã: “Tin.”

1

Ngày đầu tiên chuyển trường, tôi đã bị “chị đại” của trường này ra oai phủ đầu.

Ba cô gái bao quanh bàn tôi, mùi khói thuốc hòa với nước hoa rẻ tiền xộc thẳng vào mũi, khiến tôi buồn nôn.

“Mày là học sinh mới? Tên gì? Có biết ai làm chủ ở đây không?”

Cô gái cầm đầu khoanh tay trước ngực, nhìn tôi từ trên cao xuống với ánh mắt đầy kiêu ngạo.

Chuyện này chắc xảy ra như cơm bữa, bởi những người khác trong lớp vẫn thản nhiên, ai làm việc nấy, không ai ra tay giúp tôi.

Tôi im lặng không nói.

“Giả điếc hả?” Một người trong nhóm đá mạnh vào bàn tôi, “Chị Linh hỏi cậu kìa!”

Bàn nghiêng đi một bên, sách vở rơi đầy xuống đất.

Tôi giả vờ tỏ vẻ tội nghiệp, không dám phản kháng, luống cuống cúi xuống nhặt đồ.

Trong lòng thầm cười lạnh:

Chị Linh của các người hả?

Đợi đấy, tôi chuyển đến trường này là để chơi khô máu với cô ta.

2

Sau khi nhặt đồ xong, Linh Kỳ – cô gái được gọi là “chị Linh” – chồm tới giật lấy sách của tôi, tiện tay lật ra.

Tên tôi viết ngay trang bìa sách.

Thẩm Chiêu Chiêu.

Nghe như kiểu bông hoa nhỏ dễ bắt nạt.

“Thẩm Chiêu Chiêu?” Cô ta tiện tay ném sách xuống, lườm tôi một cái, “Tên như người, trông đã thấy trà xanh rồi.”

“Đúng đúng!”

“Nghe là biết loại rẻ tiền.”

“Đúng kiểu ‘trà xanh’ luôn.”

Hai người bên cạnh hùa theo.

Khi Linh Kỳ định mở miệng dọa tôi tiếp, một chiếc túi đeo vai bay đến, rầm một cái, rơi ngay dưới chân cả ba người.

Ba cô gái hoảng hốt lùi lại hai bước.

“*** chẳng giỏi gì, chỉ giỏi bắt nạt kẻ yếu phải không?”

Tôi theo phản xạ ngẩng đầu nhìn. Người vừa nói là một nam sinh cao lớn, tóc húi cua, mắt một mí, đôi mắt phượng dài, trên mặt còn có một nốt ruồi lệ.

Toát lên khí chất lạnh lùng.

Ánh mắt anh ta quét nhẹ:

“Biến hết đi.”

Ba cô gái tiu nghỉu bỏ đi, tôi nhìn anh ta với ánh mắt cảm kích.

Anh ta nhặt túi lên, sải bước đến chỗ ngồi, rồi thản nhiên hỏi:

“Ê, học sinh mới, tôi là Phí Dã. Cậu tên gì?”

Trước khi chuyển trường, tôi đã nghe danh đại ca trường số 6 – Phí Dã, nổi tiếng vì hai chuyện:

Chuyện thứ nhất, thấy một gã đàn ông say rượu kéo một cô gái quấy rối trên đường, anh chỉ cần một cú đấm, gã đó gãy mũi tại chỗ, nhổ ra ba cái răng.

Chuyện thứ hai, vì con hamster nuôi bị chết, một chàng trai cao 1m8 đã khóc ngất tại chỗ.

“Thẩm Chiêu Chiêu.”

“Chuyển từ đâu qua?”

“Trường số 1.”

“Ồ, học bá à?” Anh ta nhướn mày, “Đang yên đang lành qua trường số 6 làm gì? Không sợ bị bắt nạt à?”

Trường số 1 là trường cấp ba có điểm chuẩn cao nhất trong tỉnh, còn trường số 6 thì…

Là ngôi trường “nhiệt huyết” nổi danh toàn tỉnh, đầy rẫy các băng nhóm học sinh cá biệt.

Tôi không nói thật, bịa ngay một lý do:

“Là thế này, nhà tôi nợ rất nhiều tiền, không đủ khả năng lo cho tôi học tiếp…”

Biểu cảm trên mặt Phí Dã bỗng nhiên đông cứng lại.

Tôi càng nói dối càng trơn tru:

“Trường số 6 nói tôi là một nhân tài, không chỉ miễn học phí mà còn cấp học bổng. Tôi không muốn phải nghỉ học cấp ba nên chuyển qua đây…”

Tôi tự dựng lên hình tượng một bông hoa trắng nhỏ đáng thương yếu đuối, làm Phí Dã sửng sốt, đầy cảm thông, khiến tôi hả hê trong lòng vì diễn xuất xuất thần của mình.

Biểu cảm trên mặt anh ta vừa kinh ngạc, vừa thương cảm, lại có chút… sát khí.

“Anh đây sẽ bảo kê cho em!” Anh siết chặt nắm đấm, đập mạnh xuống bàn, “Ba con nhóc thỏ con vừa nãy mà dám bắt nạt em lần nữa, em cứ nói anh, anh bẻ gãy hết răng cửa chúng nó!”

Anh nghiến răng nghiến lợi, vẻ mặt đầy sát khí.

Tôi dựng cả tóc gáy, trong lòng đau khổ gào thét:

Nếu sau này Phí Dã phát hiện ra tôi lừa anh ta, liệu có bẻ gãy răng cửa tôi không đây…

Xong đời rồi…

“Nghe rõ chưa?” Anh gõ gõ bàn, kéo tôi đang thất thần trở lại thực tại, nhấn mạnh thêm lần nữa, “Bị bắt nạt nhất định phải nói với anh, nghe chưa?”

“Rồi rồi rồi… em nghe rồi…”

Tôi gật đầu lia lịa, cảm giác tội lỗi như một con chim cút nhỏ.

3

Tôi từng học tán thủ, với sức chiến đấu của mình, chẳng sợ ai đến gây rối.

Nhưng bây giờ, tôi lại có thêm mối lo:

Tôi phải tiếp tục giả vờ yếu đuối trước mặt Phí Dã, không thể để anh ta biết tôi đang lừa anh.

Không thì… răng cửa không giữ được.

Tôi đành cắn răng tiếp tục vai diễn bông hoa trắng nhỏ của mình:

Hai bộ đồng phục cũ thay phiên giặt giũ đến sờn cả mép, đôi giày mòn đến bạc màu.

Trưa thì ăn cơm chan nước lọc với rau luộc ở trường, tối về nhà mới lén ăn bù cho đã.

Hôm nay, tôi lại lấy ra một cái bánh bao trắng với một gói dưa muối, chuẩn bị ăn trong vẻ cam chịu, thì Phí Dã thò tay giật lấy bánh bao to từ tay tôi.

Anh nhíu mày:

“Em ăn mỗi thứ này à?”

Tôi rụt rè gật đầu.

“Không được.” Anh nhét cho tôi một hộp cơm, giọng không cho từ chối, “Em ăn cái này đi, anh đổi cho em.”

Trong lòng tôi mừng như bắt được vàng.

Wow!

Cơm lươn Nhật!

Nhưng mà ăn liền có vẻ hơi không khéo léo lắm, tôi phải giả vờ từ chối vài lần đã.

Giống như lúc nhận lì xì, không thể nhận ngay mà phải vừa nói “Thôi sao dám nhận” vừa để túi mở chờ người ta nhét vào.

“Không được đâu… em không thể nhận.”

Tôi giả bộ ngại ngùng.

Thấy tôi không chịu nhận, anh cuống lên, cắn luôn một miếng bánh bao to:

“Dạ dày anh dạo này yếu, phải ăn đồ thanh đạm, em có ý kiến gì không?”

Tôi lí nhí: “Không dám có, không dám có.”

“Không có thì ăn mau, đừng lề mề.”

Tôi mừng thầm trong bụng, cười gian trong lòng.

Phí Dã ngồi ăn bánh bao, khóe miệng nhếch lên đầy tự hào.

Hôm sau, Phí Dã lại đưa cho tôi thêm một hộp cơm nữa.

“Wow!
Cánh gà Coca!”

Tôi lại giở trò cũ:

“Không được, không được, em không thể cứ ăn đồ của anh mãi như thế…”

Anh liếc qua một cái: “Hả? Em có ý kiến à?”

“Không không không…”

Tôi lập tức ngoan ngoãn, ăn sạch tám cái cánh gà đến không còn một mẩu.

4

Phí Dã bảo, nếu thật sự ngại ăn đồ của anh, thì có thể bù đắp theo cách khác.

Trong lòng tôi giật mình, đầu óc vẽ ra ngay một kịch bản dài cả vạn chữ không dám nói thành lời.

Biết thế tôi đã không ăn rồi!

“Ví… ví dụ như?” Tôi tái mét cả mặt.

Anh gãi đầu:

“Thế này đi, chẳng phải còn nửa năm nữa là thi đại học sao? Anh học kém môn văn hóa, mà em là học sinh giỏi trường số 1, hay là em kèm anh học, còn anh thì ngày nào cũng mang đồ ăn cho em.”

Ôi trời, là tôi suy nghĩ bậy bạ rồi.

5

Tôi tưởng Phí Dã nói mình kém môn văn hóa chỉ là nói khiêm tốn, nhưng anh ta thật sự kém đến mức không tưởng.

Ví dụ, ôm sách từ vựng học suốt cả ngày, cuối cùng chỉ nhớ đúng mỗi từ “abandon”.

Hay như, anh ngượng nghịu xoa tay, hỏi tôi cách giải phương trình bậc hai.

Tôi suýt xỉu, đây đã là lần thứ ba anh hỏi tôi cách giải dạng bài này rồi!

Nhưng nhìn vào vẻ mặt nghiêm túc, kiên định của anh, tôi lại không nỡ làm anh mất tự tin, đành bóp nhân trung, tiếp tục giảng công thức nghiệm.

Thôi bỏ đi, hôm nay anh mang cơm bò sốt trứng chần ngon quá, nhịn thêm chút cũng đáng.

6

Trước ngày thi thử, trường phát danh sách chỗ ngồi.

Linh Kỳ ngồi ngay sau tôi, tôi chỉ biết than thở xui xẻo.

Nhân lúc Phí Dã đi chơi bóng, Linh Kỳ dẫn một đám kéo tôi vào nhà vệ sinh nữ.

Cô ta phả khói thuốc vào mặt tôi, khiến tôi sặc đến suýt rơi nước mắt.

“Đồ trà xanh,” cô ta dụi điếu thuốc vào tường, “ngày mai thi cử, mày phải truyền đáp án cho tao, nếu không tao sẽ…”

Cô ta làm động tác “cắt cổ” ngay trước mặt tôi:

“Nghe rõ chưa?”

Bề ngoài tôi giả vờ sợ hãi đến ngu người, gật đầu lia lịa.

Trong lòng thì khinh bỉ: “Chậc, chỉ có thế thôi à.”

“Nói đi!” Cô ta quát lên, “Câm rồi hả?”

Tôi giả vờ như sắp khóc:

“Nghe rõ rồi… nghe rõ rồi…”

Linh Kỳ hài lòng, dẫn người rời đi.

Hôm sau trong phòng thi, cô ta cứ ho khan liên tục, ám chỉ tôi lộ bài để cô ta chép.

Tôi giả vờ không nghe thấy.

Cô ta càng nóng ruột, ho đến suýt long phổi.

Giám thị nghe thấy quay lại, lo lắng hỏi: “Em không khỏe à? Nếu mệt quá có thể xin nghỉ.”

Cô ta luống cuống lắp bắp: “Không… không sao.”

Tôi che miệng cười trộm.

Chờ giám thị đi xa, cô ta bắt đầu đá ghế tôi liên tục, khiến bút trên tay tôi lạch cạch vạch một đường dài trên giấy.

Không chịu nổi nữa, tôi xé nửa tờ nháp, viết linh tinh:

“BABCD ACBBA DDCBA CACDD…”

Viết đầy rồi vo lại, quăng ra sau.

Linh Kỳ mở giấy ra chép lia lịa, cuối cùng cũng thôi không làm phiền tôi nữa.