Tôi nằm gọn trên lưng Bạch Diễm, những ký ức như một thước phim cũ hiện lên trong đầu tôi.
Xuất thân của tôi cũng tồi tệ như anh.
Một người ba nghiện rượu luôn đánh đập mẹ con tôi và một người mẹ yếu đuối nhu nhược.
Tuổi thơ của tôi luôn chìm trong những trận đòn roi và mùi rượu nồng nặc khắp nhà.
Về sau, ba tôi dính vào cờ bạc, mọi chuyện càng trở nên tồi tệ hơn.
Đó là kỳ nghỉ hè lớp 10.
Ba muốn lấy tiền học của tôi để tiếp tục đi đánh bạc, nhưng mẹ không cho.
Kết quả là ba nổi giận, bắt đầu ra tay đánh đập.
Khi tôi về đến nhà, điều tôi nhìn thấy là cảnh ba túm tóc mẹ, điên cuồng đập đầu bà vào tường.
Tôi như phát điên, lao vào kéo ba ra.
Nhưng ông lại đá thẳng vào bụng tôi.
Những ký ức của ngày hôm đó bây giờ dường như đã mờ nhạt, tôi chỉ nhớ rằng khi tôi cố gắng bò dậy, toàn thân mẹ bê bết máu, trên tay vẫn cầm một con dao.
Bà nhìn tôi và nói, “Con à, từ nay sẽ không ai dám ức hiếp hai mẹ con mình nữa.”
Cảnh sát.
Xe cứu thương.
Những người dân hiếu kỳ vây quanh.
Đám đông ồn ào.
Trong cái mùa hè hơi se lạnh năm đó, tôi hoàn toàn đơn độc, không nơi nương tựa.
Rồi, Kỷ Diệu xuất hiện.
Anh ấy bước tới, nắm lấy bàn tay đang run rẩy của tôi, dùng thân mình che chắn ánh mắt soi mói của mọi người xung quanh.
Anh ấy nói với tôi:
“Đừng sợ.”
Thực ra trước đó tôi và Kỷ Diệu không hề thân thiết.
Anh ấy là “thiên chi kiêu tử” của lớp, lạnh lùng kiêu ngạo, chẳng bao giờ nở một nụ cười với ai.
Còn tôi chỉ là một cô học sinh nghèo.
Nhưng kỳ nghỉ hè năm đó, chính Kỷ Diệu đã giúp tôi vượt qua khó khăn.
Anh ấy giúp tôi lo hậu sự cho ba, cùng tôi tham gia phiên tòa xét xử vụ án của mẹ.
Anh ấy còn đưa cho tôi một khoản tiền lớn, để tôi có thể hoàn thành nốt việc học của mình.
Anh ấy nói với tôi rằng, dù con đường có tối đến đâu, cũng sẽ có ngày mình đi qua được.
Thế nên tôi thích anh ấy, thật sự là điều quá dễ hiểu.
Nhưng tôi không hiểu tại sao sau khi khai giảng, mọi thứ lại thay đổi đến chóng mặt.
Tôi để thư cảm ơn vào ngăn bàn anh ấy, anh ấy chỉ nói, “Ghê tởm.”
Tôi bị vu oan lấy cắp tiền quỹ lớp, đến tìm anh ấy giúp đỡ, anh ấy nói, “Chỉ vài trăm đồng thôi, tôi bù giúp cô là được chứ gì.”
Tất cả những cảm xúc tôi dành cho anh ấy, qua từng lần bị anh ấy đập nát, cuối cùng tan biến.
Ngay cả chút lòng biết ơn cuối cùng, dường như cũng bị những ánh đèn đêm nay đưa đi mất.
“Bạch Diễn, em không muốn thích Kỷ Diệu nữa.”
Cơ thể Bạch Diễm cứng đờ trong giây lát.
Sau đó, cả người anh thả lỏng, nhẹ nhõm.
Anh nói, “Vậy thì đừng thích nữa.”
12
Tôi không hiểu tại sao.
Bạch Diễm luôn khiến tôi có cảm giác thân thuộc kỳ lạ.
Những ngày ở bên cạnh anh thật sự rất vui.
Vui hơn rất nhiều so với tôi từng nghĩ.
Điều đó khiến tôi cảm thấy như mình đang quay về mùa hè năm ấy.
Nhưng điều khiến tôi hoài nghi nhất, là vào một ngày nọ, tôi đột nhiên phát hiện trên cánh tay phải của Bạch Diễm có một vết sẹo.
Ngay ở phần bắp tay.
Vết sẹo rất sâu, dường như nó đã có từ lâu, dài một đường.
Tôi nhớ rằng “Kỷ Diệu” năm đó cũng có một vết sẹo giống hệt như vậy.
Nhưng lúc đó, nó mới chỉ vừa lành, vẫn đang đóng vảy.
Tôi từng hỏi Kỷ Diệu, sao tay anh lại bị thương như vậy.
Anh chỉ nói là vô tình bị trầy xước.
Lúc đó, tôi còn đang chìm đắm trong nỗi buồn, nên không để ý kỹ.
Nhưng giờ nghĩ lại, vết thương dài như vậy, hoàn toàn không giống bị trầy xước.
Nó giống như… vết dao cứa.
Tôi giả vờ vô tình kéo tay của Bạch Diễm lại, hỏi anh câu hỏi tương tự.
Bạch Diễm chạm tay vào vết sẹo, nói: “Lúc mẹ anh phát bệnh, bà đã làm anh bị thương.”
Tôi không ngờ lại nhận được câu trả lời như vậy.
“Khi nào thế?”
Bạch Diễm mím môi, đáp: “Trước khi bà mất, anh bị thương khi cố gắng giật lấy con dao từ tay bà. Nhưng dù sao thì bà cũng đã rời xa anh rồi.”
Sau đó, tôi không nỡ hỏi thêm gì nữa.
Đang định nói gì đó.
Điện thoại của tôi đột nhiên reo lên.
“Không ổn rồi, Trì Ánh. Trên mạng, Mạc Thư Nghiên đang bóc phốt cậu.”
Tôi mở mạng lên xem.
Lúc này mới phát hiện hashtag #Mẹ_Trì_Ánh_là_kẻ_sát_nhân đã đứng đầu danh sách tìm kiếm.
Nguyên nhân bắt đầu từ một bài đăng của Mạc Thư Nghiên kèm theo bức ảnh từ buổi tiệc hôm trước.
Cô ta viết: “Tam kiếm khách tái hợp, ‘học sinh nghèo’ ngày nào giờ đã là MC, ‘người tài trợ’ giờ đã thành doanh nhân thành đạt, còn tôi, ‘lớp trưởng’ giờ cũng đã trở thành gương mặt vàng của đài truyền hình. Hy vọng tất cả chúng ta sẽ ngày càng tốt hơn.”
Ban đầu, bài viết không thu hút nhiều sự chú ý.
Nhưng sau đó có người hỏi dưới bài đăng.
“Chị gái ơi, chị và Trì Ánh cũng là bạn học cấp 3 à? Sao lại gọi cô ấy là ‘học sinh nghèo’?”
Mạc Thư Nghiên trả lời: “Mẹ của Trì Ánh đã giết ba cô ấy, tiền học của cô ấy là do Kỷ Diệu tài trợ.”
Nhưng rất nhanh sau đó, cô ta đã xóa bình luận.
Tuy nhiên, tốc độ tay của cô ta không thể nhanh bằng tốc độ của cư dân mạng.
Bình luận đó nhanh chóng bị chụp màn hình và lan truyền trên mạng.
“Cái quái gì vậy, tôi vừa tra được, mẹ cô ấy đúng là một kẻ sát nhân.”
“Nghe nói Trì Ánh còn từng ăn cắp quỹ lớp, chuyện này ai cũng biết mà.”
“Trời đất ơi, tôi thấy một bài bóc phốt nói rằng Trì Ánh từng theo đuổi Kỷ Diệu, bị từ chối nên quay ra theo đuổi Yan. Sao lại có người không biết dị như thế chứ!”
“Người như này cũng làm MC được sao? Ngành này đúng là chẳng có tiêu chuẩn gì cả!”
“Quá ghê tởm, Trì Ánh mau biến khỏi giới giải trí đi, đề nghị phong sát toàn bộ!”
Dư luận ngày càng trở nên tồi tệ hơn.
Tôi như quay trở lại những ngày tháng cấp 3, bị vu oan lấy cắp quỹ lớp, rồi bị cả lớp chỉ trích, mắng mỏ.
Chương trình bị cơn bão đánh giá tiêu cực, đạo diễn bàn với tôi tạm thời thay thành một MC khác để tránh bớt sóng gió.
Tôi bị buộc phải tạm nghỉ việc.
13
Sau khi mọi chuyện xảy ra, tôi đã tự nhốt mình trong nhà.
Tôi đã chặn hết mọi thông tin từ bên ngoài.
Cho đến khi trời tối đen như mực, cửa phòng như bị ai đó gõ nhẹ vài lần.
“Cô bé ốc sên định trốn đến khi nào đây?”
Là Bạch Diễm đến.
Tôi hít một hơi sâu, chuẩn bị nói thẳng với anh.
“Anh đã đọc những tin tức trên mạng chưa?”
“Chuyện lớn đến đâu thì vẫn phải ăn cơm trước rồi nói, cả ngày hôm nay em chưa ăn gì, ra ăn gì đó đã nhé.”
“Mẹ em là một kẻ giết người!”
“Vậy thì sao? Mẹ anh cũng mắc bệnh tâm thần.”
Tôi không nói thêm gì nữa.
Bạch Diễm cúi người, nhìn thẳng vào tôi.
“Tiểu Ánh, trên thế gian này chẳng ai được quyền lựa chọn ba mẹ cả.
“Chúng ta không thể thay đổi nơi chúng ta sinh ra, nhưng đối mặt với những lời cáo buộc vô căn cứ, em cần học cách làm rõ và phản kháng.
“Mẹ em có lỗi, lỗi của bà ấy là đã giết cha em. Nhưng khoảnh khắc bà ấy cầm dao lên để bảo vệ em, anh tin rằng bà ấy đã rất yêu em.”
“Những gì ở trên mạng, đúng thì mình thừa nhận, còn sai thì mình phải phản kháng. Nhưng trước hết, phải ăn cơm xong để còn sức dùng pháp luật bảo vệ bản thân, đúng không?”
Nước mắt tôi rơi không kìm lại được.
Khoảnh khắc này, Bạch Diễm như hòa làm một với Kỷ Diệu năm 17 tuổi.
Họ đều dịu dàng dẫn lối.
Giúp tôi vượt qua những khó khăn của cuộc sống.
Tối đó, Bạch Diễm giúp tôi chuẩn bị đơn trình báo. Tôi đột nhiên nhớ ra.
“Em có chứng cứ để phản bác.”
“Lúc trước, trong nhà vệ sinh, những gì Mạc Thư Nghiên nói với em, em đã ghi âm lại hết. Điều đó có thể chứng minh chuyện cô ta vu oan cho em lấy cắp tiền hồi cấp ba hoàn toàn không phải do em làm.”
Hồi cấp ba, từ sau khi tôi trở thành đối tượng bị bắt nạt, tôi luôn có thói quen mang theo máy ghi âm bên mình.
Ban đầu, đó chỉ là một kiểu tự vệ sau khi bị tổn thương tâm lý, thật không ngờ lại có lúc hữu dụng.
Hôm đó tôi thức trắng đêm.
Tôi viết lại toàn bộ sự việc theo thứ tự thời gian, đầy đủ và rõ ràng.
Chỉ khi nhấn nút “gửi”, tôi mới thở phào nhẹ nhõm.
Bạch Diễm cất điện thoại của tôi đi.
“Xong hết rồi thì đừng nhìn điện thoại nữa, ngoan ngoãn ăn sáng với anh được không?”
Tôi bị anh kéo ra ngoài.
Vừa xuống tầng, tôi lại thấy chiếc xe quen thuộc đó.