Tôi là một sinh viên nghèo, nhưng bạn trai tôi còn nghèo hơn.

Anh nói nhà anh chỉ là một căn nhà cấp bốn, bố mẹ đi làm thuê ở bên ngoài, tiền sinh hoạt còn không đủ để mua đôi giày.

Tôi không đành lòng nên đã chia nửa cái bánh bao của mình cho anh.

Cho đến khi tôi đến nhà anh…

Cái mà anh gọi là nhà cấp bốn thực chất là một ngôi tứ hợp viện gia truyền, còn bố mẹ anh thì kinh doanh xuất nhập khẩu ở nước ngoài.

Còn đôi giày phiên bản giới hạn mà thiếu gia Bắc Kinh này muốn có, thì tiền sinh hoạt một năm của tôi cũng không đủ để mua.

Tôi trầm ngâm một lúc rồi lấy chiếc vòng cổ mà lúc trước anh đã tặng tôi và bảo đó là “hàng chợ”, mang ra và hỏi: “Nói thật đi, cái này thực sự là mua 80 đồng hả?”

“80 vạn.”

1

Việc đồng áng ở nhà nhiều không làm hết, tôi mở điện thoại vào WeChat, bỏ người yêu cũ ra khỏi danh sách chặn.

– Em vẫn không quên được anh, mình gặp nhau được không?

– Hừ, lại lừa anh đi cho lợn ăn chứ gì? Anh là nô lệ của nhà em sao?

Anh trả lời ngay sau vài giây, giọng điệu lại gay gắt, khó nghe.

Tôi hít sâu một hơi, muốn tìm lao động miễn phí, có vẻ phải dùng chiêu mạnh hơn.

– Em nhớ anh.

Ngay sau đó, màn hình hiển thị một ngôi sao vàng nhỏ, đối phương hiển thị “Đang nhập…”

Dường như bên kia đã rối loạn rồi.

Vào thời điểm này năm ngoái, tôi và Tạ Chước vẫn chưa chia tay.

Tạ Chước lấy lý do bố mẹ đi làm ở nước ngoài, anh sống một mình cô đơn, nên nằng nặc đòi về quê ăn Tết cùng tôi.

Tôi lúng túng nói cho anh nghe về hoàn cảnh nhà mình ở quê.

“Nhà em ở nông thôn, anh đến chắc ở không quen đâu.”

“Em không có phòng riêng, em ngủ chung với bà.”

“Hơn nữa ngày nào em cũng phải làm việc đồng áng, sẽ chẳng có thời gian mà dẫn anh đi chơi đâu.”

Tạ Chước chăm chú lắng nghe, mỉm cười: “Nhà anh cũng ở nông thôn mà, anh cũng không có phòng riêng, ngủ chung với mấy anh em, việc nhà nhiều anh có thể giúp em làm.”

Tôi sẽ không thừa nhận rằng, chính câu cuối của anh đã làm tôi động lòng.

Lúc đó tôi thực sự cần người giúp đỡ.

Đó là lần đầu tiên tôi đưa bạn trai về nhà, Tạ Chước nhìn quanh căn nhà trống rỗng của tôi và chỉ nói hai chữ:

“Ngầu thật.”

Đây là kiểu đàn ông thẳng tính sao? Có thể là vậy, Tạ Chước đã rất bất ngờ.

Anh nói rằng tôi lớn lên trong hoàn cảnh như vậy mà vẫn có thể trở thành thủ khoa toàn tỉnh trong kỳ thi đại học và vào được trường H với thành tích đứng nhất năm, quả thực là rất ngầu.

Tôi thở phào, tên này đúng là có cách nhìn khác.

Bà thích anh ngay từ lần gặp đầu tiên, nắm lấy tay anh không rời.

“Con à, con đẹp trai thật đấy, nhà con ở đâu thế?”

“Bà ơi, con ở Bắc Kinh ạ.”

“Ối dào, vậy xa quá nhỉ, sau này nếu con với Kiều Kiều cưới nhau…”

Tôi vội ngắt lời bà: “Bà ơi, bọn con vẫn đang đi học mà, bà nói chuyện xa quá rồi!”

Tạ Chước nhìn tôi, nở nụ cười: “Không sao bà ạ, xa mấy con cũng sẽ về thăm bà.”

“Tốt lắm, lát nữa bà làm thịt gà, đùi gà sẽ dành cho con.”

“Để dành cho Kiều Kiều ạ, cô ấy thích ăn thịt.”

Sau đó anh cho lợn ăn, bổ củi, chặt mía, một mình làm hết mọi việc trong nhà.

Hồi đó trong mắt anh chỉ có mình tôi.

Sau khi chia tay, anh hận không thể cắt đứt với tôi, gặp mặt là mỉa mai, chế giễu không ngừng.

“Đồ con gái tệ bạc, dùng người ta xong rồi bỏ.”

2

Vài giờ sau, Tạ Chước vội vã xuất hiện trước cửa nhà tôi.

Nửa củ khoai lang đang ăn dở trong tay tôi bỗng rơi xuống đất, tôi kinh ngạc vô cùng… và tim có hơi đập nhanh.

“Anh thực sự đến rồi?”

“Kiếp trước nợ em, cả đám rau dại trên núi nhà em cũng bị anh đào sạch, chết tiệt.”

Tạ Chước đẩy tôi vào trong nhà, gió lạnh tràn vào khiến tôi rùng mình.

Anh liếc nhìn tôi một cái, trầm giọng nói: “Trời lạnh thế này, lần trước tặng em cái áo lông sao không mặc?”

Tôi hít mũi, “Mặc đồ đắt như thế làm việc đồng áng thì có mà phí.”

Anh nhặt củ khoai lang dưới đất lên, hơi nhíu mày: “Em chỉ ăn cái này?”

“Ừ, ăn đại thôi, lấp bụng là được.”

Chẳng lẽ tôi nhìn nhầm sao? Trong mắt anh thoáng qua có chút đau lòng, sau đó anh đi ra ngoài kéo hành lý vào.

Chỉ riêng vali đã mang theo hai cái, còn cái ba lô trên lưng nặng đến mức khi đặt lên ghế còn phát ra một tiếng “bụp”.

“Anh định chuyển nhà luôn à? Mang theo nhiều hành lý thế.”

Anh mở hành lý ra, nói lớn tiếng: “Anh mang quà cho bà đấy, không được à?”

Trong mấy cái vali của anh, toàn là đặc sản ở chỗ anh, còn có món vịt quay Bắc Kinh mà tôi thích nhất.

“Còn có vịt quay Bắc Kinh nữa à!”

Anh cười cười nhìn tôi, nói: “Cái này là cho bà, em chỉ được hưởng ké thôi, rõ chưa?”

“Hừ, cả người anh chỉ có cái miệng là cứng thôi.” Rõ ràng là mang cho tôi còn bày đặt.

“Em chắc không?”

… Tôi cạn lời.

3

Bà biết Tạ Chước đến thì rất vui.

Biết khí hậu trên núi lạnh, Tạ Chước mua cho bà một cái áo bông dày.

Bà vui đến nỗi cười mắt híp lại, đôi tay đầy vết xước nhẹ nhàng vuốt ve chiếc áo bông, cẩn thận từng chút một.

“Áo này ấm thật.”

“Bà thích là được rồi ạ.”

Tên này khá giỏi lấy lòng bà, cũng chẳng trách bà nhất quyết bắt tôi làm thịt con gà để bồi bổ cho Tạ Chước.

Con gà đó là gà đẻ trứng, bà luôn tiếc không dám ăn.

Nhưng bây giờ tôi có phản đối cũng không có ích gì, bà đẩy tôi một cái: “Đi mau!”

Tạ Chước đặc biệt sợ mấy con vật có lông, nhất là gà, lúc bắt gà trong sân thì suýt nữa anh nhảy lên nóc nhà.

“Khang Niệm Kiều! Cứu anh với!!!”

Tôi không nhịn được cười, chỉ mất vài giây đã bắt gọn con gà.

Tạ Chước ngồi trên ghế mây nhìn tôi thoăn thoắt cắt cổ gà, lấy tiết, sau đó nhúng vào nước nóng và lột lông một cách gọn ghẽ.

“Khang Niệm Kiều, sao em cái gì cũng biết vậy? Ngay cả giết gà cũng dám.”

“Rảnh quá thì giúp em đun ít nước nóng đi.”

Anh bỗng bật cười khẽ, tôi ngẩng đầu lên lườm: “Cười cái gì?”

“Em nói nhớ anh, chẳng phải là lừa anh đến đây làm việc đấy chứ?”

“Không thì sao?” Tôi nói với giọng điệu hùng hồn.

“Đồ con gái tệ bạc, chỉ là anh cam tâm tình nguyện để em lừa.”

Tạ Chước mắng nhẹ, nhưng giọng lại rất dịu dàng. Anh đeo găng tay vào, quay lại nhìn tôi: “Chuồng heo rửa chưa? Giờ anh đi rửa.”

Tạ Chước thật sự rất đặc biệt, dường như anh làm gì cũng chỉ cần thấy vui là được.

Chia tay rồi mà vẫn có thể hớn hở chạy tới giúp tôi làm việc.

Từ Bắc Kinh xa xôi, ừm, chạy đến tận cái xó núi này của tôi.

Mỗi ngày, anh đứng bên máng cho lợn ăn, nghiêng người rồi từ từ đổ thức ăn vào máng lợn, lợn ăn ngấu nghiến phát ra tiếng ụt ịt.

Anh cười, vỗ đầu con lợn: “Kim Cương, ăn nhiều vào nhé, anh thích nhất là thịt ba chỉ nạc mỡ xen kẽ đấy.”

Đúng vậy, anh đã đặt tên cho con lợn nhà tôi nuôi để làm thịt cuối năm là “Kim Cương.”

Ngày nào cũng gọi nhau là anh em, mà lại nói thích ăn tai lợn to của nó, còn đòi làm món trộn.

4

Tôi thả con gà mới làm vào nồi, mùi thơm lập tức tỏa ra khắp nơi.

Tạ Chước thêm củi vào bếp, thổi cho củi cháy, mặt mũi lấm lem lọ.

Ánh lửa hắt lên gương mặt góc cạnh của anh, khiến tôi nhìn ngẩn ngơ.

Tạ Chước liếc nhẹ: “Nhìn đủ chưa? Đồ ăn sắp cháy rồi.”

Nhìn món ăn trong nồi sắp cháy, tôi vội đảo vài cái.

“Ai bảo anh thổi lửa to thế.”

Tôi gắp một miếng thịt đưa đến miệng anh: “Nếm xem có vừa không.”

Anh hơi sững người, rồi há miệng ăn.

“Sao nào?”

Tôi nhìn anh đầy mong đợi, trước đây anh hay chê tôi nấu mặn.

Anh không nói gì, cúi xuống ôm tôi thật chặt, đầu tựa vào hõm cổ tôi, giọng nghẹn ngào.

“Anh hỏi em lần nữa, vì sao đòi chia tay?”

Chưa kịp để tôi trả lời, anh lại nói thêm.

“Anh không tin là em hết tình cảm với anh rồi.”

5

Lúc trước, khi tôi nói lời chia tay, tôi đã lấy lý do rằng mình hết cảm xúc.

Đến giờ tôi vẫn nhớ vẻ mặt tổn thương của anh, anh muốn giữ thể diện nhưng mắt lại đỏ hoe.

Anh nói: “Em đừng hối hận, Khang Niệm Kiều, nếu anh quay đầu lại thì chẳng khác nào đồ nhu nhược!”

Người nói sẽ không quay đầu lại là anh, nhưng chỉ cần tôi nói một câu, thì người lập tức quay đầu cũng là anh.

Lần này, anh hỏi lại, rõ ràng là anh không tin lý do trước kia.

Nếu nói sự thật thì nhiều khi sẽ làm anh tổn thương.

Tôi vỗ nhẹ lưng anh, giọng dịu lại: “Chúng ta đều là người nông thôn, lấy anh chẳng khác nào từ ngọn núi này đi sang ngọn núi khác, tương lai chẳng sáng sủa gì cả.”

Tạ Chước tức đến phát điên, nhưng cũng không nỡ mạnh tay, chỉ véo nhẹ mặt tôi.

“Khang Niệm Kiều, em thực tế thật đấy.”

“Không còn cách nào, nghèo quen rồi.”

Trên bàn ăn, cả hai chúng tôi đều im lặng, bầu không khí lạnh lẽo đến đáng sợ.

Bà liên tục gắp thức ăn cho anh: “Ăn nhiều vào con.”

Anh gắp cái đùi gà vào đĩa của tôi, không nói một lời nào.

Ừm, dù đang giận, anh vẫn không quên tôi thích ăn gì.

Ăn xong, bà bảo tôi dọn dẹp phòng chứa lúa.

Đó vốn là phòng của ba tôi, sau khi ba tôi bỏ đi, phòng đó được dùng để chứa lúa.

Ga trải giường sạch sẽ, gối vỏ kiều mạch là do bà tự tay làm.

Ngay cả bông trong chăn cũng là do bà tự tay hái, ấm áp vô cùng.

Tạ Chước nhìn tôi trải giường xong liền cuộn người vào chăn, tôi đá anh một cái: “Tắm rồi hẵng ngủ.”

“Lạnh thế này, mai tắm cũng được.”

Phòng tắm nằm ngay bên kia chuồng heo, do ba tôi xây khi còn ở đây.

Bây giờ nó đã cũ, bốn bề thông gió, gió mạnh một chút là thổi cho các tấm gỗ kêu rầm rầm.

Tôi pha nước nóng, vừa cởi đồ xong đã lạnh đến mức nổi da gà.

Nhưng tôi cũng quen rồi.

Bên ngoài vang lên tiếng bước chân, giây tiếp theo, bức tường ngoài nhà tắm bị gió lùa vào được phủ kín bằng một tấm ga giường.

“Gió lớn thế này mà em vẫn nhất quyết đi tắm, bảo sao viêm mũi mãi không khỏi.”

“Em đúng là tự làm khổ mình, không thì sao mỗi tháng em cứ bị đau vài ngày được?”

Dưới ánh đèn, bóng của anh phản chiếu lên tấm ga giường, sống mũi cao thẳng và đôi môi hơi cong vì đang làu bàu không dứt.

Tôi thích nhất giọng Bắc Kinh của anh, thêm vào đó là chất giọng trầm ấm, kể cả khi đang mắng người cũng không thể ghét nổi.

Trong lòng tôi có một góc nhỏ, ấm áp và nóng rực.

Tạ Chước luôn có một sức hút lạ thường, ai tiếp xúc với anh cũng đều thích anh.

Ngay cả bác gái bán rau ở chợ cũng luôn tặng anh thêm rau mỗi khi gặp.

Trong trường học, ở những lớp tự chọn mà Tạ Chước tham gia, con gái luôn nhiều hơn con trai.

Anh dịu dàng và tử tế, hài hước và nồng nhiệt.

Có lẽ trên thế giới này, chỉ có mình tôi là không nhận ra điều đó.

5

Trời còn chưa sáng, bà đã dậy hái rau để kịp ra chợ phiên trong thị trấn.

Ngày diễn ra chợ phiên người thường rất đông đúc, có thể bán được nhiều tiền hơn ngày thường.

Tạ Chước đứng ở cửa phòng kho đánh răng, mắt còn ngái ngủ, trên đầu có vài sợi tóc dựng lên trông rất đáng yêu.

“Anh cứ ngủ thêm chút đi, em với bà đi là được rồi.”

“Em đừng lải nhải nữa, cái gánh nặng thế em khiêng không nổi đâu.”

Trước đây tôi và bà mỗi người phải khiêng một đầu gánh rau.

Tạ Chước chỉ cần nhấc nhẹ một cái là đã nâng được cả gánh rau lên.

Phải đi bộ mấy cây số xuống núi, xuống đến chân núi mới có xe vào thành phố.

Trời hửng sáng, vừa đúng lúc chúng tôi đến nơi.

Các lái buôn đều đến mua rau, có lẽ vì sắp Tết nên giá cao hơn bình thường một chút.

Bà vui lắm, mua cho mỗi chúng tôi một miếng bánh gạo nếp.

Tạ Chước kéo bà đi mua đậu hủ nóng, nhìn bóng lưng họ, tôi có cảm giác yên bình hiếm có.

Từ khi ba tôi mất, bà luôn buồn bã lo âu.

Sự xuất hiện của Tạ Chước khiến bà hay cười hơn, những tiếng thở dài cũng ít đi nhiều.

Tạ Chước quay lại nhìn tôi, gương mặt đầy vẻ phấn khích như thể nhìn thấy thứ gì đó mới lạ.

“Khang Niệm Kiều! Ăn kẹo hồ lô không?”

“Hả? Có chứ!”

Tôi đứng trước quầy bán kẹo hồ lô của ông cụ, nhón chân lên, ngẩng đầu chọn lựa cẩn thận.

Anh cười cưng chiều, rút một que trong đó: “Que này có quả dâu tây to nhất, lấy thêm một que sơn tra nữa nhé.”

“Đừng mua nhiều thế, ăn không hết đâu.”

“Khó khăn lắm mới vào thành phố, cứ cầm đi.”

Tôi vui vẻ nhận lấy que kẹo hồ lô, có cảm giác như mình đang được chiều chuộng như một đứa trẻ.

Ngày bé mỗi khi đi chợ phiên với ba, tôi chỉ có thể đứng nhìn đám trẻ con khác ăn.

“Anh cũng ăn một que đi?”

“Không cần, anh chỉ thích ăn của em thôi.”

Anh cúi xuống, khẽ cắn một miếng trên quả dâu tây mà tôi vừa cắn, nụ cười có chút thỏa mãn.

“Ừm, ngọt thật, đúng là đồ ăn của trẻ con.”

Tôi vừa định đánh anh, thì điện thoại trong túi anh rung lên không ngừng.

Anh bực bội tắt máy.

“Ai vậy? Sao không nghe?”

“Cuộc gọi rác thôi.”

Trên đường về, Tạ Chước rõ ràng trầm mặc hơn lúc đi nhiều.

Anh không vui, tôi có thể nhận ra điều đó.

Tôi cần nghĩ ra cách gì đó để làm anh vui lên.