6

Vừa về đến làng thì gặp mọi người đang mổ lợn để đón Tết.

Tôi định mua ít sườn cho Tạ Chước, món anh thích nhất, để anh vui.

Nhưng người đông quá, sườn vừa có đã bị giành hết sạch.

Khang Minh, người từng theo đuổi tôi hồi cấp ba, bây giờ là người nổi tiếng trong làng với nghề giết mổ lợn.

Khi thấy tôi ra về tay không, anh ấy vội đuổi theo, tặng tôi một tảng sườn đẹp.

“Niệm Kiều, em muốn sườn phải không? Anh có để lại một ít, anh đưa em nhé.”

Ánh mắt của Tạ Chước lập tức trở nên sắc bén.

Tôi vội giải thích: “Đây là Khang Minh, anh ấy và em là bạn lớn lên từ bé.”

“Ồ, thanh mai trúc mã à?”

Giọng điệu chua ngoa, câu nào cũng chứa đầy ý ghen.

Khang Minh liếc nhìn Tạ Chước: “Anh ta là…?”

“Bạn học của em.”

“Bạn trai.”

Chúng tôi rõ ràng cùng nói đồng thanh không hề có chút ăn ý nào.

Hay thật, mặt của Tạ Chước càng đen hơn.

Khang Minh đứng đó cầm miếng sườn trên tay, tôi có nên nhận hay không?

Chưa kịp phản ứng, Tạ Chước đã liếc qua miếng sườn: “Cầm về đi, chúng tôi không cần.”

“Đây là tôi đưa cho Niệm Kiều, liên quan gì đến anh?”

Khang Minh không chịu thua.

“Hừ, Niệm Kiều biết tôi thích nhất là món sườn xào chua ngọt, nên mới đặc biệt muốn mua, anh nghĩ sao?”

“Vậy thì tôi thà vứt nó đi, chứ không để anh có được.”

Thấy hai người căng thẳng đến mức sắp xung đột, bà vội kéo Tạ Chước lại.

“Bà cũng định làm thịt con lợn nhà mình, để làm món sườn xào chua ngọt cho con ăn.”

Tôi không nói gì.

Con lợn này vốn là để bán, chúng tôi có thể dùng số tiền đó để giảm bớt chút gánh nặng cho gia đình.

Nhưng bà thương Tạ Chước.

Khang Minh xắn tay áo lên, nói: “Bà ơi, lúc giết lợn nhớ gọi con, con sẽ giúp.”

Tạ Chước cười lạnh: “Không cần đâu, bà có con là đủ rồi.”

Khang Minh cười khẩy: “Để xem anh có đè nổi lợn không, đừng để đến lúc đó làm trò cười cho thiên hạ.”

“Hừ, nếu tôi đè được, anh phải gọi tôi là bố đấy.”

Đúng là đàn ông cãi nhau cũng chẳng khác gì trẻ con ba tuổi.

7

Người ta nói không có con lợn nào Khang Minh không đè nổi.

Khang Minh có ưu thế về mái tóc vàng tự nhiên, nhưng Tạ Chước lại không tin điều đó.

Giữa một đám người chuyên giết mổ lợn, Tạ Chước trông có phần hơi lạc lõng.

“Tạ Chước, bỏ đi.”

Tôi thật sự không muốn nhìn anh bẽ mặt trước mọi người, vì với lòng tự trọng cao ngút trời của anh, chắc chắn anh sẽ ủ rủ mấy ngày trời.

Tạ Chước xoa xoa mái tóc đen dày, không để tâm: “Chẳng qua chỉ là một con lợn, có gì khó đâu.”

Không thuyết phục được rồi.

Kim Cương có lẽ đã ngửi thấy mùi máu tanh, vừa ra khỏi chuồng đã hoảng sợ.

Nó chạy loạn khắp vườn rau, Tạ Chước đuổi theo, còn bị nó húc ngã xuống đất.

“Kim Cương! Nuôi mày thật phí cơm!”

Tôi không nỡ nhìn tiếp, Tạ Chước đuổi theo con lợn ra sau nhà, người và lợn đều mất dạng.

Khang Minh cười khẩy: “Đây là người mà em thích đấy à?”

“Anh ấy rất tốt.”

Nửa tiếng sau, Tạ Chước với gương mặt đầy bùn, cùng các chú các bác khiêng Kim Cương, hoàn thành sứ mệnh của con lợn.

Anh rửa mặt, hướng về phía Khang Minh và khiêu khích: “Gọi bố đi!”

Khang Minh vuốt vài sợi tóc vàng trước trán, quay đầu nhìn tôi: “Anh ta từ đâu đến vậy, thật là quá hiếu thắng.”

Tôi vẫy Tạ Chước, trả lời: “Người sao Hỏa.”

Trong lần đối đầu này, Tạ Chước thể hiện hết khả năng sinh tồn ở nông thôn của mình.

Buổi tối khi ăn sườn, anh ấy cũng không ngừng tự hào rằng thịt lợn mình mổ ngon hơn hẳn.

Nhưng vào buổi tối, khi tắm nước nóng chạm vào vết thương lại khiến anh đau đến kêu oai oái.

Tôi cầm lọ thuốc hỏi: “Ngã ở đâu vậy? Để em bôi thuốc cho.”

Tạ Chước quấn mình trong chăn, chỉ lộ ra khuôn mặt hơi đỏ, đáp nhỏ: “Ở… xương cụt.”

Tôi hít một hơi thật sâu, cố giữ giọng bình thường.

“Ngửa mông ra.”

“… Nhìn rồi phải chịu trách nhiệm đấy.”

“Em đi gọi bà nội.”

Vừa định đứng lên thì tôi bị một bàn tay nóng rực kéo lại.

Tạ Chước nhìn tôi, mặt đỏ bừng, ánh mắt ngượng ngùng hiếm thấy.

“… Nhẹ tay chút nhé.”

8

Kỳ nghỉ đã trôi qua như thế.

Bà tiễn chúng tôi ra đến đầu làng, nhìn chúng tôi lên xe.

Tạ Chước lục lọi trong ba lô ra vài trăm tệ: “Giàu rồi, anh tìm được vài tờ tiền lẻ trong cặp, lát nữa mời em đi ăn đồ nướng.”

Tôi liếc nhìn, nói: “Đó là bà lén nhét cho anh đấy.”

Anh lập tức phá vỡ vẻ ngoài bất cần của mình.

“Số tiền này bà phải dành dụm biết bao lâu… Còn đóng học phí cho em, lại cho anh tiền tiêu vặt, bà còn lại được bao nhiêu chứ.”

Tên này bên ngoài nhìn vô tư, nhưng trong lòng thì mềm yếu.

Cũng phải, thế nên bà mới thích anh như vậy.

Anh nhét tiền lại cho tôi: “Em cầm đi, gầy như này, mua thêm đồ ăn.”

“Anh cầm đi, bà thương anh, với lại em cũng có thể xin học bổng mà.”

Anh gấp tiền lại rồi cẩn thận cho vào túi, sau đó nhìn ra ngoài cửa sổ một hồi lâu.

“Nếu em thực sự hết tiền, cứ đến tìm anh.”

Tôi bật cười: “Anh thôi đi, bố mẹ anh đi làm xa quanh năm cũng chẳng dễ dàng gì, đừng có làm đại gia.”

Chắc bố mẹ anh cũng là công nhân xa nhà, cả năm chỉ về nhà được vài lần.

Giống như bọn trẻ ở làng tôi, bố mẹ đi làm ở thành phố lớn, buộc phải xa cách với con cái.

Nghĩ đến đây, tôi nhìn Tạ Chước, tự dưng thấy cay cay sống mũi.

“Anh tội nghiệp quá.”

?

Tạ Chước nhìn tôi đầy vẻ chán ghét.

“Dẹp ngay mấy cái suy nghĩ trong đầu em đi.”

9

Có lẽ vì vào mùa tựu trường, nên ga tàu chật ních người.

Tạ Chước đeo chiếc ba lô màu hồng của tôi trên lưng, hình ảnh này trái ngược hoàn toàn với vóc dáng cao lớn của anh, trông thật dễ thương.

Anh kéo hành lý, quay đầu nhìn tôi.

“Đi taxi về trường đi, đông người quá.”

“Taxi đắt lắm, đi xe buýt chỉ mất hai đồng thôi, chen chúc một chút cũng không sao.”

Sau lần thứ N không chen lên được xe buýt mà còn giày bị người khác giẫm tuột gót, Tạ Chước kéo tôi ra khỏi đám đông.

“Sắp lên được rồi, anh kéo em ra làm gì?”

Anh không nói lời nào, gọi một chiếc taxi, để hành lý vào cốp xe rồi đẩy tôi vào ghế sau.

“Bác tài, H Đại.”

Nghe vậy, bác tài quay lại liếc nhìn chúng tôi: “Các cháu là sinh viên H Đại hả? Học ở đó giỏi lắm đấy, trường có nhiều thủ khoa lắm phải không!”

Tạ Chước cười, khẽ thúc cùi chỏ vào người tôi, nói: “Bác nói đúng đấy, cô ấy là thủ khoa tỉnh đó.”

“Ai dà, cháu là thủ khoa à! Vậy chuyến này bác miễn phí cho!”

Tôi hơi ngại: “Sao được ạ, bác cũng vất vả mà.”

“Không sao đâu, con gái bác năm tới thi đại học, cháu viết cho nó mấy lời chúc động viên thì quý hóa lắm rồi.”

Bác tài nói xong liền đưa cuốn sổ tay cho tôi.

Tôi có chút lúng túng nhìn Tạ Chước, anh nhướng mày, vẻ mặt đầy thích thú: “Viết đi, thủ khoa.”

Tôi viết vài câu chúc thi tốt, bác tài vui mừng không thôi, suốt đường đi bác luôn kể chuyện về con gái bác.

May mà Tạ Chước khéo ăn nói, nếu không chắc tôi chẳng biết tiếp chuyện như thế nào.

Tới dưới ký túc xá nữ, Tạ Chước nhất quyết giúp tôi mang hành lý đến tận cửa phòng.

Tôi cầm lấy hành lý: “Để em tự làm, anh về nghỉ sớm đi.”

“Giày em mất gót rồi, sao em tự mang được? Để anh nói với cô quản lý, anh đưa lên giúp.”

“Đừng! Cô quản lý dữ lắm…”

Nhưng tôi đã không ngăn được anh.

Anh cúi xuống, không biết nói gì mà làm cô quản lý bật cười.

Anh còn quay lại chỉ tay về phía tôi, cô quản lý nhìn tôi rồi gật đầu cười.

Lạ thật, đây có phải là cô quản lý nổi tiếng hung dữ và hay mắng sinh viên mà tôi biết không? Thậm chí cô ấy còn cười nữa?

Tạ Chước chạy nhanh về phía tôi, cầm lấy hành lý của tôi.

“Xong rồi, anh đưa em lên.”

“Anh nói gì với cô quản lý vậy?”

“Không quan trọng.”

Sải chân anh dài nên một lần bước đã leo được mấy bậc cầu thang, nhẹ nhàng mang hành lý đến tận cửa phòng tôi.

Cũng may bây giờ là giờ nghỉ, nếu không các bạn nữ khác mà thấy thì không chừng lại gây ra một làn sóng bàn tán.

Anh quay lại nhìn tôi, hạ giọng: “Anh về đây, có gì thì gọi cho anh.”

“Ừ.”

Tôi mở cửa đi vào phòng, nhẹ nhàng đặt hành lý xuống, rồi lấy sách từ trong ba lô ra.

Đột nhiên có vật gì đó rơi xuống sàn, phát ra tiếng “bộp.”

Dưới ánh đèn vàng dịu, tờ tiền mệnh giá một trăm nghìn rực rỡ nằm yên trên sàn nhà.

Tôi nhặt lên, trên tờ tiền còn có vết bút chì mà bà nội từng ghi.

Đây là tiền mà bà cho Tạ Chước.

Tôi cay cay sống mũi, muốn đấm cho anh hai đấm.

— Tiền bà cho anh đấy, sao lại nhét trả lại em!

— Em cầm đi, đàn ông tụi anh không cần tiền làm gì, yên tâm.

10

Hằng năm trường tôi đều có quỹ hỗ trợ cho sinh viên khó khăn, nhưng năm nay số lượng đăng ký nhiều hơn.

Trong lớp quyết định để các bạn thuộc diện khó khăn lần lượt lên kể về hoàn cảnh của mình để có được phiếu bầu từ mọi người.

Cứ như thể xé bỏ lớp vỏ bọc để mọi người xem, ai có hoàn cảnh đáng thương nhất sẽ nhận được sự đồng cảm của mọi người và có phiếu bầu cao nhất.

Lớp trưởng Hác Mạch Lệ đứng trên bục giảng, gõ lên bảng: “Được rồi, có bạn nào muốn lên trước không?”

Cả lớp lập tức yên ắng, không ai lên tiếng.

Cô ấy nghiêng đầu nhìn tôi, cười ngọt ngào: “Hay là Khang Niệm Kiều cậu lên trước nhé?”

Tôi vừa định đứng lên thì liền bị Tạ Chước giữ lại. Anh đứng dậy, nhìn Hác Mạch Lệ.

“Việc này không hợp lý. Bộ Giáo dục đã ban hành văn bản công khai vào năm 2017, không khuyến khích biến việc xét duyệt trợ cấp thành một ‘cuộc thi thảm thương’, kêu gọi bảo vệ phẩm giá và quyền riêng tư của học sinh, sinh viên.”

Hác Mạch Lệ nghiêng đầu, chớp chớp mắt: “Có gì không hợp lý đâu, như vậy mới công bằng chứ.”

“Công bằng?”

Tạ Chước mỉm cười, tiếp tục nói: “Những bạn thực sự khó khăn vì sợ phải lên kể chuyện về gia cảnh của mình nên đã từ bỏ cơ hội xin trợ cấp, cậu nghĩ thế là công bằng sao? Người khéo ăn nói, quen biết rộng lại nhận được trợ cấp, cậu nghĩ thế là công bằng à?”

“Đúng vậy lớp trưởng, thôi bỏ đi, cứ để mọi người tự điền đơn xét duyệt là được rồi.”

Thấy mọi người đồng tình, Hác Mạch Lệ tỏ vẻ khó chịu, mặt đỏ bừng vì tức.

“Được rồi được rồi, các cậu tự mình làm đi, tôi không quản nữa.”

Đứng ngược sáng, Tạ Chước tự tin và kiêu hãnh, hoàn toàn không giống một đứa trẻ lớn lên từ nông thôn như chúng tôi.

Dù tôi là thủ khoa toàn tỉnh, nhưng sự tự ti và nhút nhát trong thâm tâm đều bị Tạ Chước nhìn thấu.

“Cảm ơn anh nhé, em mời anh ăn mì lạnh.”

Tạ Chước nhướn mày, vẻ mặt không tin nổi: “Con gà sắt cuối cùng cũng chịu mọc lông rồi à?”

“Không ăn thì thôi.”

“Ăn ăn ăn.”

Món mì lạnh ở căng tin trường chỉ bốn đồng một phần mà rất nhiều, ăn một phần là no luôn.

“Ngon quá, cho thêm một bát nữa.”

Tôi liếc anh: “Không sợ ăn đến bội thực sao?”

Anh lắc đầu bất đắc dĩ, nhưng trong mắt lại ánh lên vẻ cưng chiều.

“Anh đang tuổi lớn đấy, sao, chẳng lẽ bốn đồng mà em cũng keo kiệt với anh à?”

“Ăn đi, ăn đi, không có lần sau đâu.”

“Này Khang Niệm Kiều, em có thể bớt keo kiệt đi một chút được không?”