22
Kỳ nghỉ bắt đầu, Tạ Chước chào bà nội rồi lại theo tôi về nhà.
“Niệm Kiều, có gì nặng nhọc cứ để Tạ Chước làm, thằng bé này khoẻ lắm.”
Tạ Chước cúi người ôm bà, giọng nói có chút bất lực: “Bà ơi, bà là bà nội ruột của con mà.”
Vừa về tới làng, bà tôi biết Tạ Chước đến nên cố ra chợ mua hẳn cá với thịt về.
Bà sống một mình, không khi nào dám tiêu pha, đã nói nhiều lần nhưng bà vẫn cứ chắt chiu, tiết kiệm.
Tạ Chước thuê người sửa lại nhà tắm, lắp cả máy sưởi, từ nay tắm rửa vào mùa đông cũng không lo bị cảm lạnh vì gió lùa.
Đêm ấy, trước khi đi ngủ, bà còn cảm thán.
“Tạ Chước là một đứa trẻ tốt, giao cháu cho nó, bà yên tâm.”
“Nếu hai đứa muốn tốt nghiệp xong rồi cưới, bà cũng không ngăn cản, chỉ là bà chẳng có khả năng chuẩn bị của hồi môn gì cho cháu, bà sẽ khâu cho cháu vài cái chăn nhé. Đến mùa thu hoạch, bông tươi tốt lắm, ấm hơn mấy cái chăn mua ngoài tiệm nhiều.”
Tôi ngửi thấy mùi quen thuộc trên chăn của bà, không kìm được mà vòng tay ôm lấy bà. Những năm qua, lưng bà ngày càng cong xuống.
“Bà ơi, đừng nói vậy, bà mạnh khỏe là món quà cưới tuyệt nhất của cháu rồi.”
Bà vỗ nhẹ tay tôi, khẽ nói: “Ngủ đi, bà vẫn khỏe.”
Mơ màng chìm vào giấc ngủ, tôi chợt thấy một bóng dáng quen thuộc ngoài cửa sổ. Tôi ngồi dậy, mở cửa sổ.
“Nửa đêm không ngủ, anh làm gì vậy?”
Tạ Chước dựa vào khung cửa, ra hiệu nhìn lên bầu trời, giọng đầy phấn khích: “Tối nay trăng to lắm, cả trăm năm mới có một lần, gọi em dậy ngắm.”
Tôi ngẩng đầu, trên bầu trời bao la, mặt trăng lớn bất ngờ, ánh trăng dịu dàng chiếu xuống sân, giống như khung cảnh tuổi thơ.
“Trăng to thế này, chỉ ở trên núi mới nhìn thấy được.”
Tạ Chước cảm thán, giống như đứa trẻ chưa từng nhìn thấy thế giới. Tôi cũng tựa vào cửa sổ, ngắm bầu trời đêm, tiếng dế kêu trong sân tạo nên cảm giác mơ màng như giấc mộng.
Tạ Chước quay sang, trong mắt tràn đầy sự dịu dàng. Tim tôi lỡ một nhịp, đôi môi anh chạm khẽ xuống, lần này mềm mại và đắm say. Anh vòng tay ôm lấy eo tôi, làm đổ chậu cây để trên bậu cửa, khiến bà tỉnh giấc: “Có chuyện gì đấy?”
Trong tích tắc, tôi vội đẩy Tạ Chước ra, anh mỉm cười, rút lui.
“Con cũng không biết, nhìn quanh mà chẳng thấy gì.”
Tôi lườm Tạ Chước, ra hiệu bảo anh về ngủ, anh cười chỉ vào điện thoại. Tôi mở tin nhắn.
— Hôn một cái mà như làm gián điệp, sợ gì chứ, đâu phải anh không chịu trách nhiệm.
Bà xoay người, lẩm bẩm: “Có lẽ là chuột to, mai bà đi mua thuốc chuột, nó lộng hành quá rồi.”
— Chúc ngủ ngon, con chuột to lén hôn người ta ở cửa sổ.
23
Bố tôi đã trả hết nợ cho người bị thương, cuộc sống dần trở nên tốt đẹp hơn. Tôi viết giấy nợ cho Tạ Chước, anh chỉ nhìn qua rồi xé luôn.
“Em có thể đừng bày vẽ thế này không? Nếu thật sự muốn đền đáp anh, thì hôn anh nhiều vào.”
Nói xong, anh mặt dày áp sát vào tôi, tôi bật cười, giơ lưỡi hái lên: “Mau đi cắt cỏ lợn!”
“Kiếp trước anh nợ em à?”
Anh bực bội lẩm bẩm, rồi thoăn thoắt cắt cả một bó cỏ to.
Giữa thiên nhiên bao la, tiếng chim hót trong trẻo, mặt trời rực rỡ, lòng tôi vẫn bừng cháy như thuở ban đầu gặp anh.
Người con trai tôi thích, thật sạch sẽ và thuần khiết, xuất thân cao quý nhưng lại có thể sống giản dị. Ăn đủ sơn hào hải vị, nhưng vẫn sẵn sàng cùng tôi ngồi giữa bãi cỏ lau để ăn khoai nướng.
Anh từng trải qua những ngày tối tăm nhất, và tôi may mắn vì đã ở bên anh khi anh muốn từ bỏ tất cả.
(Hết chính truyện)
[Phiên ngoại: Góc nhìn của Tạ Chước]
1
Từ khi về từ Mỹ, tôi đã buồn bã rất lâu.
Bố mẹ đều nói tôi đã lớn, có thể tự chăm sóc bản thân, còn em trai em gái còn nhỏ, không thể thiếu bố mẹ.
Buồn cười thật, họ đã không cần tôi, vậy sao còn sinh ra tôi làm gì?
Họ có xin phép tôi không?
Bà nội là người thương tôi nhất, ngày nào cũng ngồi trước cửa phòng tôi, sợ rằng tôi sẽ làm điều dại dột.
Khi tôi chán nản, muốn bỏ cuộc, thì có một người tên là Khang Niệm Kiều xuất hiện.
Chỉ một bức ảnh làm đồng đơn giản, vậy mà khiến tôi tò mò về thế giới của cô ấy.
Sao có người có thể dậy từ bốn, năm giờ sáng để làm việc, nhưng vẫn có thể cười vui vẻ đến vậy?
Cô ấy có một nguồn năng lượng mãnh liệt khiến tôi không thể không muốn đến gần.
Vì muốn được học chung trường với cô ấy, tôi cũng bắt đầu dậy sớm và làm việc chăm chỉ.
Ý nghĩ muốn chết của tôi cứ thế dần dần tan biến khi tôi nỗ lực học hành để thi đỗ vào H Đại.
2
Ngày đầu tiên nhập học, tôi đã thấy Khang Niệm Kiều, tôi còn giúp cô ấy mang hành lý.
Sau đó, tôi phát hiện ra chúng tôi học cùng lớp. Cô ấy ngồi ở góc lớp, trông như kiểu người sợ giao tiếp xã hội.
Tôi cố ý lách qua đám đông, vượt qua mấy chỗ trống, rồi ngồi xuống cạnh cô ấy.
Cô ấy có hơi không thoải mái, liền kéo sách trên bàn về phía mình.
Tôi liếc qua và thấy cuốn sách của cô ấy, bắt đầu mở lời:
“Em thích Murakami Haruki à? Em đã đọc cuốn Kafka bên bờ biển của ông ấy chưa?”
Đôi mắt cô ấy lập tức sáng lên, và chúng tôi trò chuyện về nội dung cuốn sách suốt cả buổi.
Cô ấy đúng là giống với ấn tượng của tôi: hơi nói nhiều, mà cũng dễ dàng phấn khích, ha ha.
Sau đó, ngày nào tôi cũng tìm cách mang đồ ăn ngon cho cô ấy, nhưng cô ấy luôn từ chối, hoặc từ chối không được thì hôm sau lại đem cái gì đó khác để đổi lại.
Dường như cô ấy có vẻ sợ nhận sự quan tâm từ người khác.
Khi tôi dẫn cô ấy đi ăn ở nhà hàng ngoài trường, cô ấy lúc nào cũng ngại ngùng, lí nhí bảo: “Đắt quá, chúng ta đi thôi.”
Tôi nhận ra môi trường sống của chúng tôi khác nhau. Với tôi những thứ đó là bình thường, nhưng với cô ấy thì lại là xa xỉ.
Vì vậy tôi chọn ăn cùng cô ấy ở căng-tin trường và bảo cô ấy rằng gia đình tôi cũng bình thường thôi, cô ấy lại trở nên thoải mái hơn.
Sau đó, trong ngày hội thể thao của trường, cô ấy vừa hoàn thành 300m thì tụt huyết áp và ngất ngay tại vạch đích.
Tôi bế cô ấy vào phòng y tế và tỏ tình:
“Em mà không quen anh thì sẽ không yên đâu, cả trường đều thấy anh bế em rồi đấy.”
Có chút ép buộc, cô ấy đỏ mặt chui tọt vào chăn.
“Mất mặt chết đi được!”
Đáng yêu thật, lúc nào rồi mà còn ngại thế này.
Tôi kéo chăn ra, ghé sát khuôn mặt đỏ hây hây của cô ấy, rồi hôn cô ấy.
3
Khi chúng tôi bắt đầu hẹn hò, mọi người trong lớp đều thấy thật kỳ diệu.
Đặc biệt là mấy đứa bạn cùng phòng tôi, chúng nó gần như sốc nặng.
“Mày sao lại thích Khang Niệm Kiều vậy? Hồi trước mày từ chối lời tỏ tình của Hác Mạch Lệ, tao cứ tưởng mày kén chọn lắm cơ.”
Tôi phì cười: “Khang Niệm Kiều tốt hơn Hác Mạch Lệ cả trăm lần, mắt tụi mày có vấn đề à? Đừng suy diễn linh tinh.”
“Này, anh em chỉ lo cho mày thôi, sao nói nặng lời thế.”
“Nếu là anh em thật sự, thì chúc phúc là đủ rồi, nói chuyện liên quan đến bạn gái tao làm gì?”
Thế là chúng tôi lao vào đánh nhau.
Chuyện này khá ầm ĩ, tôi đập vỡ máy tính của nó, rồi giáo viên chủ nhiệm cũng phải đến.
Khi tôi đến bệnh viện để băng bó vết thương, Khang Niệm Kiều lo lắng chạy đến, vừa thổi vết thương vừa mắng tôi sao lại đánh nhau.
Tất nhiên tôi không kể cho cô ấy nghe những lời khó nghe mà bọn kia nói.
Nhìn cô ấy cứ lải nhải, tôi ôm chặt cô ấy vào lòng và tự nhủ, cả đời này phải bảo vệ cô ấy như một nàng công chúa.
Không để ai dám ức hiếp hay chê bai cô ấy.
Nhưng buồn cười là chẳng bao lâu sau, cô ấy lại đề nghị chia tay tôi.
4
Sau khi chia tay, tôi tức giận đến mức suýt xóa luôn liên lạc của cô ấy, nhưng lại không nỡ.
Tôi không tin là cô ấy không còn tình cảm với tôi. Quả nhiên, khi đến nhà cô ấy, tôi mới hiểu nguyên do.
Bà nội kể hết chuyện gia đình cô ấy cho tôi nghe.
“Niệm Kiều về nhà là trốn trong phòng khóc suốt, bà hỏi mà nó không chịu nói.”
“Về sau nghe lỏm được qua điện thoại, bà mới biết hai đứa chia tay rồi.”
“Ba nó cũng là một gánh nặng với nó. Nó có lòng tự trọng cao, không muốn cháu biết những chuyện này, càng không muốn liên lụy đến cháu.”
Đúng là kiểu ngốc nghếch mà Khang Niệm Kiều sẽ làm.
Không còn cách nào khác, vợ nhà mình thì mình phải chiều, còn làm sao được nữa.
5
Lúc trước, tôi dự định trong buổi sinh nhật sẽ tỏ tình lại với Khang Niệm Kiều.
Tôi gọi hết mấy anh em ở trong và ngoài nước về, muốn mọi người chứng kiến và tạo chút ý nghĩa cho cô ấy.
Ai ngờ cô ấy lại bỏ trốn vào phút chót.
Nghĩ lại vẫn thấy tức, làm tôi mất mặt với bạn bè.
Dù bây giờ đã kết hôn rồi, mấy thằng bạn vẫn lấy chuyện hôm đó ra trêu tôi.
Khang Niệm Kiều lại cười tôi trẻ con. Giờ cô ấy giỏi lắm rồi, kỹ sư giỏi đấy, bận bịu lắm.
Tôi tắm xong nằm dài trên giường, khoe cơ bụng tám múi mà chả đổi được một cái liếc mắt của cô ấy.
“Giám đốc Khang, hiện là 1 giờ 37 phút sáng rồi, cô định khi nào mới đoái hoài đến tôi đây?”
“Bận, không rảnh.”
Đấy, kiệm lời thế đấy.
Ai mà ngờ được cuộc sống sau hôn nhân của tôi lại thành ra thế này, phải lấy lại phong độ thôi.
“Anh cho em một phút, mau lên giường, anh sẽ không cho em cơ hội thứ hai đâu.”
Khang Niệm Kiều ngừng gõ máy tính, hít một hơi sâu, quay đầu nhìn tôi.
“Em cho anh một cơ hội, nuốt lại lời vừa rồi đi.”
Lại dùng chiêu này à? Tôi bật cười, đứng dậy và bế cô ấy lên ngay.
Chiều cô ấy nữa thì kế hoạch sinh em bé mà bà nội dặn sẽ bị lùi lại mất.
“Anh định làm gì hả, Tạ Chước?”
Cô ấy đỏ bừng mặt vì giận, tôi thả cô ấy xuống giường, khiến cô ấy á khẩu không thốt nên lời.
Tôi mỉm cười, cúi xuống hôn nhẹ lên khóe môi cô ấy.
“Em không chịu mềm mỏng thì anh dùng biện pháp mạnh thôi.”
6
Hôm sau, khi đến đón cô ấy tan làm, tôi gặp Hác Mạch Lệ dưới tòa nhà công ty.
Cô ta béo hơn trước, nghe nói giờ tiếp quản công ty của bố, cũng coi như làm ăn ra hồn.
Nhưng cái vẻ cay nghiệt thì chẳng thay đổi chút nào. Cô ta nhìn tôi từ đầu đến chân rồi nói:
“Lâu rồi không gặp, Tạ Chước, thiếu gia Bắc Kinh giờ thành tài xế rồi à?”
“Không còn cách nào khác, tôi muốn chiều vợ mình. Còn cô, lấy chồng rồi mà vẫn phải tự lái xe đi làm sao?”
Cô ta tức đến mặt tái xanh tái xám, rồi lại trở lại vẻ mặt cười gượng gạo.
“Ly dị rồi. Đâu phải người đàn ông nào cũng chiều vợ như anh. Nhưng tôi có một chuyện bao năm vẫn không hiểu, muốn hỏi anh chút.”
“Hỏi đi.”
Hác Mạch Lệ vuốt mái tóc dài, ngẩng lên nhìn tôi: “Anh và tôi mới xứng đôi, nếu không phải là tôi thì là ai cũng được, sao lại là Khang Niệm Kiều? Cô ấy đã cứu mạng anh à?”
“Đúng rồi.”
Cô ta cười khẩy: “Anh đừng đùa nữa, tôi đang nghiêm túc đấy.”
“Cô ấy đúng là đã cứu mạng tôi, nhưng đó không phải lý do duy nhất.”
“Nói cô ấy hiền lành chăm chỉ thì quá nông cạn. Tôi chưa từng nghĩ đến lý do. Tôi chỉ biết cô ấy là Khang Niệm Kiều, ngoài cô ấy ra thì ai cũng không được.”
Tôi ngước lên, thấy Khang Niệm Kiều đang bước ra sảnh với đôi giày cao gót, tôi gật đầu ra hiệu với cô ấy: “Cô ấy kìa!”
Hác Mạch Lệ quay lại nhìn cô ấy một cái, rồi nói: “Thôi không làm phiền đôi vợ chồng trẻ nữa, tôi đi đây.”
Khang Niệm Kiều bước tới, im lặng ngồi vào ghế lái phụ.
Tôi vừa ngồi xuống, liền quay sang nhìn cô ấy: “Sao vậy? Ai bắt nạt em, để anh xử hắn cho.”
“Là anh đấy! Tự mình đánh chết đi là vừa!”
Khang Niệm Kiều mở túi xách, lấy một mẩu giấy ném cho tôi. Tôi nhặt lên xem, trên que thử thai hiện rõ hai vạch.
Khóe miệng tôi kéo rộng đến tận mang tai, hạnh phúc ôm chặt cô ấy.
“Đánh chết anh thì ai làm ba của con chúng ta đây.”
“Em định tháng sau đi công tác, xem ra kế hoạch đổ bể rồi…”
Cô ấy bực bội cúi đầu, sau đó lại ngẩng lên hít một hơi thật sâu: “Chồng à, em chưa chuẩn bị xong, em thấy sợ.”
Tôi nắm tay cô ấy an ủi: “Việc ở trung tâm chăm sóc mẹ bầu đã có anh lo, bỉm tã anh thay, con anh dỗ, còn sữa… vẫn là em phải cho bú.”
Cô ấy phì cười, ánh mắt cũng trở nên dịu dàng.
“Lấy anh thật tốt, bao nhiêu năm rồi em chẳng phải lo lắng điều gì.”
“Vì em đã cứu mạng anh đấy.”
“Cút đi.”
(Hết)