13
Bị ánh mắt cầu cứu của tôi “triệu hồi”, Kỷ Thần lập tức lên tiếng thay tôi.

“Hồi còn đi học, mỗi lần ông mắng cô ấy, là cô ấy quay sang bắt nạt cháu.”

Kỷ Thần ngồi trên sofa, mặc chiếc áo sơ mi trắng mới mua lúc nãy, cởi hai nút áo, trông vừa nghiêm túc vừa ra vẻ bịa chuyện rất chuyên nghiệp: “Bắt nạt riết thành quen, đến khi tốt nghiệp thì hai đứa lại… không kiềm được nữa, thấu hiểu nhau rồi yêu nhau.”

Tôi suýt sặc nước miếng vì sốc. Cái gì vậy trời? Tình tiết lộn xộn gì đây?

Tôi còn đang choáng váng thì ông nội Kỷ đã bắt đầu giơ tay đếm ngón:
“Trời đất ơi, hai đứa các con ‘đánh du kích’ ngầm với nhau bao nhiêu năm rồi đấy hả…”

Miệng tôi luôn nhanh hơn não, nên tôi cười tươi đáp liền: “Cháu sợ nói hết ra ông chịu không nổi. Dù sao thì hồi đó cháu tuyên bố gì, giờ cũng thực hiện được một nửa rồi.”

Nghe vậy, ông cụ lập tức nheo mắt lại, trọng tâm lập tức dời sang mấy chữ phía sau:
“Cái gì? Cô còn định đánh luôn… chắt trai của tôi thật à?”

Tặc. Trí nhớ của ông cụ tốt thật, bao nhiêu năm rồi mà vẫn nhớ lời tôi từng hét lên ngày đó.

Trò chuyện thêm vài câu, ông cụ đứng dậy đi vào nhà vệ sinh. Lúc cửa khép lại, tôi lờ mờ nghe thấy bên trong vang lên tiếng ông lão… đang ngân nga mấy câu hát.

Ơ…
Tâm trạng có vẻ đang rất tốt đấy chứ?

Phòng khách giờ chỉ còn tôi và Kỷ Thần. Tôi kéo tay áo anh, hỏi điều tôi tò mò nhất từ đầu:
“Không phải anh nói… ông anh mất rồi à?”

Kỷ Thần bật cười khẽ: “Người mà anh đi cúng là ông ngoại. Ông ấy trọng nam khinh nữ, nhưng vì bà ngoại sau này không thể sinh nữa nên chỉ có mỗi mẹ anh. Từ nhỏ ông ngoại đã năn nỉ anh gọi ông là ‘ông nội’ cho đỡ chạnh lòng.”

“Ông cứng đầu, cả nhà cũng thấy chỉ là cách gọi thôi nên không ai phản đối, từ đó anh cứ gọi vậy luôn.”

Ra là thế… Hèn gì lúc ông mở cửa tôi suýt đứng tim.

Không khí trong phòng khách yên ắng đến mức hơi ngại. Ông cụ mãi chưa ra, tôi bèn túm tay áo Kỷ Thần tiếp chuyện: “Vừa nãy… sao anh lại nói mấy câu đó?”

Nhìn xem, chỉ cần đối diện với crush là giọng tôi tự giảm… mười tám độ luôn.
Chứ nếu người khác mà nói kiểu đó, chắc tôi đã hỏi thẳng “anh bị hâm à?” rồi.

Kỷ Thần đối diện với tôi, khẽ cong môi cười. “Anh nói thế… cũng là sự thật mà.”

Ờ thì… đúng là thế thật. Hồi đó mỗi lần bị ông cụ mắng xối xả, tôi đều trút giận lên người Kỷ Thần — kiểu như lén xì bánh xe anh, hoặc nhét vỏ hạt dưa vào ngăn bàn anh.

Nhưng vấn đề là… tôi làm mấy trò đó trong âm thầm mà? Làm sao anh biết được?

Có lẽ ánh mắt tôi đã thể hiện quá rõ thắc mắc, chưa kịp mở miệng thì Kỷ Thần đã lên tiếng trước:
“Thật ra, lần nào anh cũng biết là em làm.”

“Em làm chuyện gì cũng hậu đậu cả, thì bị bạn anh bắt gặp, hoặc chính anh thấy, hoặc là…”
“…em để quên thẻ học sinh trên chỗ ngồi của anh.”

Kỷ Thần xoa trán, lắc đầu cười bất lực: “Anh mà còn không biết, thì hơi vô lý đấy.”

…Tôi thật sự sốc tận óc.

Tôi cứ tưởng bao nhiêu năm qua, mấy lần tôi lén xả giận sau lưng đều kín đáo đến mức hoàn hảo. Hóa ra từ lâu đã bị phát hiện rồi.

Hơn nữa, hồi đó Kỷ Thần vẫn còn chưa “dậy thì thành công”.
Da hơi ngăm, lúc nào cũng đeo kính gọng đen to đùng, tóc lại dài lòa xòa che mất lông mày, mắt mũi. Nói thật, khó ai có thể để lại ấn tượng gì với ngoại hình của anh ấy thời đó.

Còn bây giờ— Tôi liếc nhìn anh một cái… chỉ một góc nghiêng thôi cũng đủ làm tôi mềm cả chân.

Mềm chân rồi thì tay cũng lỏng theo, ly nước mới nâng lên bị nghiêng, làm nước ấm đổ thẳng xuống… đùi Kỷ Thần.

“Á…”
Tôi giật mình kêu lên, theo phản xạ liền rút khăn giấy ra lau cho anh.

Nhưng… đến khi khăn giấy đã chạm lên người rồi, tôi mới nhận ra—
Chỗ lau này… hơi bị nhạy cảm.

Tệ hơn nữa là, ngay đúng khoảnh khắc tay tôi còn đang lơ lửng tại chỗ ấy, ông nội Kỷ không một tiếng động bước ra khỏi nhà vệ sinh…

14
Ông cụ này đúng là vẫn như ngày xưa — bước đi không có tí âm thanh nào.

Sáu mắt nhìn nhau, tôi ngại muốn chết luôn tại chỗ.
Thế là tôi lập tức… quay xe.

Tôi ném phắt khăn giấy vào người Kỷ Thần, bắt đầu đổ vạ:
“Tự anh lau đi, chỉ là nước văng có tí thôi, tôi là con gái, giúp anh lau thì kỳ cục chết đi được.”

Nói xong, tôi lập tức ngồi ngay ngắn lại, còn khéo léo kéo giãn khoảng cách với anh.

Kỷ Thần cầm khăn ngồi đơ ra. Tôi tranh thủ liếc anh một cái — Đẹp trai đúng là đẹp trai, ngay cả ánh mắt vô tội nơi đuôi mắt cũng khiến người ta muốn mềm lòng.

Nhưng mà, đúng lúc đó bà nội Kỷ từ bếp đi ra, cầm theo muôi, hỏi tôi có ăn hành lá và ngò không.
Tôi vội vàng gật đầu rồi chạy ù vào bếp giúp bà.

Lúc đầu bà còn liên tục đuổi tôi ra ngoài, nhưng bị tôi nài nỉ mãi, bà cũng chịu cho tôi ở lại phụ bếp.

Vừa làm, bà vừa kể tôi nghe rất nhiều chuyện về Kỷ Thần.
Ví dụ như, sau kỳ thi đại học, bố mẹ anh ly dị. Mẹ anh tái hôn ở tỉnh khác, còn bố thì vẫn ở thành phố nhưng suốt ngày bận rộn, chẳng mấy khi về nhà.

Ví dụ như, hồi còn đi học, Kỷ Thần từng thầm thích một cô gái.
Anh ấy viết nhật ký về cô ấy, hết quyển này đến quyển khác, nhưng không bao giờ để ai xem.

Bà nội quay sang nhìn tôi, ánh mắt đong đầy ý cười: “Con gái à, bà nhìn là biết, cô bé năm đó mà nó thích… chắc chắn là con.”

Tôi ngẩn ra hai giây, sau đó giả vờ thẹn thùng không lên tiếng.

Nhưng trong lòng lại chùng xuống.

Vì bà đâu có biết, hồi đi học tôi với Kỷ Thần… gần như chưa từng nói chuyện với nhau.
Cô gái khiến cậu học bá ấy viết bao nhiêu trang nhật ký… chắc chắn không phải tôi.

 

15
Bữa cơm gia đình hôm đó nói chung diễn ra khá suôn sẻ.
Dĩ nhiên, không tính đến gương mặt cau có của ông nội suốt bữa.

Ban đầu tôi còn lo, ông cụ sẽ tính chuyện cũ, không chịu chấp nhận “cháu dâu” như tôi.
Cho đến khi…

Tình cờ tôi nghe thấy bà nội nhỏ giọng càm ràm với ông:“Cái ông già chết tiệt này, ngày trước suốt ngày nhắc con bé học trò này, giờ nó thành cháu dâu thật rồi, mà ông còn bày đặt mặt lạnh! Cười lên cái coi!”

Và thế là… Nửa sau bữa ăn, ông cụ giữ nguyên một nụ cười đơ đơ trên mặt.

Cho đến lúc tiễn tôi ra cửa, ông vẫn cố nặn ra một nụ cười cứng ngắc, giọng dịu dàng mà mặt không cảm xúc nói: “Đi đi nhé!”

Sau đó, cạch, đóng cửa cái rầm.

Tôi và Kỷ Thần nhìn nhau, chỉ biết cười dở khóc dở. Kỷ Thần đưa tôi về nhà, mà tôi thì nhân cơ hội “gần nước thì hưởng lộc” liền rủ anh mai cùng về Bắc Kinh. Anh đồng ý.

Quê tôi cách Bắc Kinh không quá xa, Kỷ Thần tự lái xe. Còn chiếc xe tôi đi tảo mộ hôm trước là của ba tôi — mới tậu được nửa năm.

Vì vậy, tôi chủ động góp nửa tiền xăng rồi “ké” xe Kỷ Thần về thủ đô.

Trên đường, tôi lôi kéo anh trò chuyện đủ thứ, cứ nghĩ như thế sẽ kéo gần khoảng cách.
Kết quả… Nói chuyện vô ích.

Mặc dù tôi từng giúp anh một tay, đối phó với hai ông bà suốt ngày hối cưới của anh, nhưng sau khi về Bắc Kinh, cả hai lại quay cuồng với công việc.
Liên lạc cũng dần thưa thớt. Thỉnh thoảng lắm mới nhắn một câu “chào buổi sáng” hay “ngủ ngon”, rồi khung chat lại chìm vào yên lặng.

Cho đến một ngày nọ. Tan làm, tôi vừa bước ra khỏi thang máy công ty thì nhận được cuộc gọi video từ Kỷ Thần trên WeChat.

Tôi hơi bất ngờ, vội vàng hắng giọng rồi bắt máy.