Cậu thiếu niên tức giận nắm chặt tay thành quyền, nhưng bỗng như nghĩ ra điều gì, liền nhướn mày nhìn Thẩm Dạ một cái.

“Chị ơi, anh ta đối xử với em thế này thì thôi, chứ không lẽ bình thường cũng dữ với chị vậy?”

“Sao chị không nói gì? Không lẽ đúng là như vậy?”

“Phụ nữ qua ba mươi là một đóa hoa, đàn ông qua ba mươi là dưa già. Thẩm tổng năm nay hai mươi sáu nhỉ? Chậc chậc.”

Tôi…

Cậu làm ơn im lặng giùm cái, không thấy mặt sếp tôi đen như đáy nồi rồi sao?

Để hòa giải tình hình, tôi vội dùng đũa công cộng gắp một cái đùi gà đặt vào bát của Lục Minh:

 “Ăn đi, ăn đi.”

Cậu thiếu niên ngay lập tức ngoan ngoãn, nở nụ cười lộ ra hai lúm đồng tiền nhỏ:

 “Em nghe lời chị.”

“Thư ký Kỷ, đừng quên cô là người của ai.”

Thấy sắc mặt Thẩm Dạ càng lúc càng âm u, tôi vội vàng rót cho anh ta một ly nước.

“Sếp, uống nước, uống nước đi.”

Lục Minh gặm đùi gà, nhỏ giọng lẩm bẩm:

 “Đồ keo kiệt, chỉ uống nước lạnh.”

“Thư ký thì sao, chị ấy cũng là đàn chị của tôi.”

“…”

Hình như tiểu Lục tổng đúng thật đang học ở Bắc Đại.

Không khí bỗng trở nên im lặng.

Tình thế này tôi kiểm soát không nổi nữa rồi, hay là hai người cứ đánh nhau đi?

Thẩm Dạ dùng lưỡi khẽ đẩy nhẹ phần hàm dưới.

Có lẽ thật sự bị chọc tức quá, phản ứng có phần trẻ con:

 “Thích leo quan hệ vậy, sao không nói luôn Trái Đất là nhà cậu?”

“Trường lớn như vậy, một tháng thấy mặt nhau một lần không?”

“Còn đàn chị à? Cậu không hỏi thử xem hồi cấp ba chị ấy ngồi cùng bàn hai năm với ai.”

“Nếu không có chút sự cố, cậu bây giờ ít nhất cũng phải gọi tôi là đàn anh.”

Hai đôi mắt đồng loạt quay sang nhìn tôi.

Thần tiên đấu pháp, tiểu quỷ chịu tội.

Tôi lảng tránh ánh nhìn, cố làm vẻ bình tĩnh.

Cuối đầu gặm miếng dưa hấu:

 “Haha, dưa này ngọt thật.”

Tôi và Thẩm Dạ quen nhau vào học kỳ đầu lớp 11.

Khi đó anh ta vừa từ nước ngoài chuyển về.

Hoàn toàn là dáng vẻ của một công tử nhà giàu, cao ngạo, lãnh đạm, đối với mọi thứ đều không mấy để tâm, kể cả vị trí nhất khối mà tôi luôn trân trọng.

Tôi luôn biết, có rất nhiều người sống tốt hơn tôi, không phải ai cũng có hoàn cảnh giống tôi.

Nhưng sự xuất hiện của anh ta khiến tôi nhận ra rằng:

Hóa ra, khoảng cách giữa người với người không chỉ là một cái hố sâu, mà còn có thể là một ngọn núi cao không bao giờ trèo qua nổi.

Tôi sinh ra trong một gia đình có chút học thức, cả bố mẹ đều là sinh viên đại học.

Họ đã được giáo dục bài bản, nhưng tư tưởng cũ kỹ và lạc hậu vẫn không hề mất đi.

Ngày tôi chào đời, ngoài phòng sinh chật kín người.

Khi biết tôi là con gái, mẹ tôi trước khi ngất lịm đi đã nói một câu:

 “Đúng là nghiệt chướng.”

Bố tôi cười gượng, phát thuốc lá mừng cho những người đến thăm, nói rằng lần này không tổ chức tiệc, hẹn lần sau sẽ bù.

Bà nội tôi ở quê thì đập đùi chửi rủa, nói bố tôi cưới phải đồ “vô dụng”, còn sinh ra một đứa “xúi quẩy.”

Thế là khi tôi mới được sáu tháng tuổi, mẹ tôi đã mang thai em trai tôi.

Cả gia đình như thoát khỏi u ám, ai nấy đều cười toe toét, rộn ràng vui vẻ.

Khi em tôi ra đời, mọi người tranh nhau bế bồng em, chẳng ai nhớ đến tôi – đứa trẻ đang bị bỏ đói trong góc cả ngày.

Bản năng sinh tồn khiến tôi gào khóc thảm thiết.

Mẹ tôi nói:

“Chắc chắn là vì nó thấy em trai được yêu chiều hơn, trong lòng ghen tị, cố ý gây sự chú ý. Con gái đúng là từ nhỏ đã hay ghen tị.”

Rồi tôi chật vật lớn lên.

Nhưng tôi vẫn không hiểu:

Tại sao em trai tôi buổi sáng có thể ăn ba quả trứng, còn tôi lại không được chia dù chỉ một quả, trong khi cô giáo nói rằng trứng giúp trẻ phát triển?

Bố tôi lại bảo:

“Con gái không cần nhiều dinh dưỡng như vậy.”

Tại sao em tôi được học trường tư với học phí đắt đỏ, còn tôi chỉ có thể dựa vào học lực miễn học phí để vào trường công?

Tại sao em tôi không thích học lớp năng khiếu, bố mẹ lại dỗ dành, trong khi tôi nói rằng nếu em không thích thì tôi đi học thay, bố mẹ lại mắng tôi là nhỏ tuổi mà mưu mô?

Tại sao em tôi chưa từng vào bếp hay làm việc nhà, còn tôi phải dậy sớm mỗi ngày, quanh năm suốt tháng ngâm tay trong nước lạnh, rửa bát đầy dầu mỡ rồi giặt đồ cho cả nhà?

Tại sao khi tôi thức khuya học bài, chưa từng có ai quan tâm hay mang cho tôi một cốc sữa, mà chỉ có những lời chửi rủa, nói rằng tôi lãng phí điện, phá hoại gia đình?

Tại sao chỉ vì là chị gái mà mọi thứ tốt nhất đều phải nhường cho em, bài tập của em tôi phải làm, em đánh tôi mà tôi không được đánh lại?

Tại sao em tôi ngày nào cũng được đưa đón đi học, còn tôi thì phải tự đi bộ về?

Có quá nhiều cái tại sao, thế nên tôi bắt đầu hỏi lý do.

Sau khi lên cấp hai, trường học cách nhà rất xa, tôi không muốn lãng phí thời gian trên đường đi lại nữa.

Vì vậy, tôi hỏi bố liệu ông có thể đưa tôi đến trường như đưa em trai được không.

Bởi vì họ không yên tâm, nên em trai tôi luôn được học bán trú, còn tôi phải ở nội trú, một tuần chỉ về nhà một lần.

Bố tôi không nói gì, tôi tưởng ông đã đồng ý.

Sáng thứ Hai, chưa đến 5 giờ, tôi bị mẹ dùng roi lông gà đánh thức.

Bà cười nhạo nói:
“Không phải mày muốn bố mày đưa mày đến trường sao?”

Tôi im lặng, lên xe của bố.

Bên ngoài cửa sổ, trời đen kịt, như một con quái vật khổng lồ đang ẩn mình chực chờ.

Trên đường đi, bố tôi không ngừng mắng nhiếc tôi.

Ông nói:
“Sao mày không chết đi cho rồi,” ánh mắt như muốn nuốt chửng tôi.

Quãng đường chỉ mười lăm phút, nhưng tôi đã nghe những lời cay độc nhất trong cuộc đời, những lời mà tôi chưa bao giờ nghĩ một người cha có thể nói ra.

Đến trường quá sớm, cổng trường còn chưa mở.

Tôi dựa vào cánh cổng sắt, lặng lẽ ngồi đó suốt hai giờ.

Trời rất lạnh, rất tối.

Tôi nhìn mặt trời từ từ mọc lên từ phương Đông, ánh sáng ban mai dần lan tỏa khắp bầu trời.

Từ đó, trong lòng tôi luôn chất chứa một nguồn năng lượng bất tận.

Nó giúp tôi mỗi ngày dậy sớm hai giờ, từng bước đi hết sáu dặm từ nhà đến trường.

9.268 bước chân, tôi đã đi suốt ba năm trời.

Tôi không giống em trai tôi, cậu ta chưa bao giờ phải lo lắng về tiền bạc.

Tôi không có tiền tiêu vặt, nghèo đến mức chỉ còn lại lòng tự trọng nhỏ nhoi và chẳng mấy giá trị.

Tôi từng thử mở miệng xin tiền, nhưng bố mẹ tôi là người có học, họ không chỉ không cho mà còn dùng vài câu nói nhẹ bẫng giẫm nát lòng tự trọng của tôi xuống đất, nhục nhã đến tận cùng.

Ở độ tuổi mà em trai tôi vô tư vô lo, tôi đã phải nghĩ đủ cách để kiếm tiền.

Vì vậy, tôi từ nhỏ đã yêu tiền, không có tiền là không sống được.

Tôi nhặt rác trong khu phố, viết bài hộ người khác, phát tờ rơi, trước kỳ thi thì bán bút xóa, sau kỳ thi thì bán bút ba màu.

Thỉnh thoảng lại bị đánh vài trận, họ bảo tôi ra ngoài làm mất mặt gia đình.

Bước ngoặt đến vào mùa hè sau khi tôi tốt nghiệp cấp hai.

Họ – cả nhà ba người, lái xe đi du lịch.

Trên đường đi, vì bất đồng ý kiến mà tranh cãi.

Em trai tôi giành lấy tay lái.

Cuối cùng, xe đi ngược chiều trên đường cao tốc, đâm vào một xe tải.

Hai xe đều lật.

Ba người, không ai sống sót.

Phản ứng đầu tiên khi tôi nghe tin này lại là cảm thấy tiếc.

Tôi tiếc cho cặp vợ chồng mới cưới ngồi trên chiếc xe tải.

Tang lễ của họ được tổ chức vội vàng, bà nội tôi lập tức từ quê lên tranh giành tài sản và khoản bồi thường.

Ban đầu, bà không định để lại cho tôi một xu nào.

Tôi cầm dao phay, ăn vạ, lăn lộn, còn hung dữ hơn cả bà.

Tôi lan truyền khắp nơi chuyện bố mẹ nhà họ Kỷ ngược đãi con gái.

Tôi nói bà nội còn muốn “ăn tuyệt tự” (lấy hết tài sản, không để lại gì).

Bà nội có nhiều con cái, tôi không cần mặt mũi, nhưng họ thì không thể không giữ thể diện.

Cứ qua lại vài lần như thế, tôi được chia 20 nghìn đồng cùng với căn nhà cũ nát mà gia đình tôi từng ở.

Những thứ đáng giá trong nhà đều đã bị bà lấy đi.

Dù không nhiều, nhưng cuối cùng tôi cũng đã giành được thứ thuộc về mình.

Tôi tự đổi tên cho mình.

Từ Kỷ Chiêu Đệ (nghĩa là “cầu em trai”) thành Kỷ Nam Từ.

Tôi không còn là người sinh ra chỉ để phục vụ cho em trai.

Tôi chính là chính tôi.

Trường Nhất Trung là một ngôi trường danh tiếng lâu đời, không thiếu nguồn học sinh ưu tú.

Dù điểm thi vào cấp ba của tôi rất cao, tôi vẫn không được nhận ưu đãi miễn giảm học phí nào.

Nhưng từ lớp 10 đến lớp 11, vị trí nhất khối luôn thuộc về tôi.

Học bổng hàng tháng cũng chỉ có tôi được nhận.

Nhà trường cân nhắc hoàn cảnh của tôi nên cho phép tôi học bán trú.

Mỗi ngày tôi đều rất bận.

Buổi sáng, tôi nhận tiền để mua bữa sáng giúp các bạn ở nội trú.

Buổi trưa, tôi dạy kèm có trả phí cho các bạn khác.

Buổi chiều, tôi mang sổ ghi chép đi in và bán.

Buổi tối, tôi làm thêm tại cửa hàng tiện lợi.

Ngoài ra, tôi còn tham gia một số cuộc thi.

Số tiền kiếm được chỉ vừa đủ để trang trải cuộc sống.

Tôi không có nhiều bạn, vì tôi không có thời gian buôn chuyện hay xây dựng tình cảm bạn bè.

Mọi việc tôi làm cho họ đều tính tiền rõ ràng.

Gương mặt tôi lúc nào cũng toát lên vẻ cần tiền, yêu tiền, cả người đầy mùi thực dụng.

Vì vậy, khi Thẩm Dạ – một học sinh chuyển trường – bất ngờ chiếm vị trí nhất khối, mọi người đều xem đó là trò cười của tôi.

Lúc đó, tôi không thân thiết với Thẩm Dạ nên cũng chẳng có cảm xúc gì.

Cùng lắm chỉ tiếc rằng mình mất 500 đồng học bổng, đồng thời tự nhủ phải cố gắng hơn nữa.

Khi xem xong bảng điểm, tôi bước vào lớp học.

Mọi người vây quanh Thẩm Dạ, không ngớt lời khen ngợi anh ta và cười trên sự thất bại của tôi.

“Cuối cùng người đứng nhất cũng bị thay thế!”

“Mong chờ nhìn sắc mặt Kỷ Nam Từ quá!”

“Học bổng của cô ta bay rồi!”

“Học bổng cứ như là phần riêng cho cô ta vậy, người khác chưa từng có cơ hội.”

“Bình thường kiêu ngạo như thế, lần này rốt cuộc cũng va phải tấm sắt rồi.”

Cậu thiếu niên ngồi dựa vào ghế, giữa đôi lông mày lộ vẻ không kiên nhẫn.

“Nhất khối khó lắm sao? Mấy người kích động vậy, chưa từng đứng nhất à?”

“500 đồng nhiều lắm à? Chưa đủ mua một đôi tất của tôi.”

“Mồm mép lắm, trách sao chẳng bao giờ đạt nhất.”

“…”

Bọn họ bị mắng đến câm nín.

Thể diện bị mất ở đây, họ liền tìm cách lấy lại ở chỗ khác.

Ở tuổi dậy thì, sĩ diện còn lớn hơn cả trời.

Những lời nói ra thường mang theo ác ý mà chính họ cũng không tự nhận ra.

Hoặc có khi họ biết rõ.

“500 đồng đối với chúng tôi đương nhiên chẳng là gì, nhưng với Kỷ Nam Từ thì là cả một gia tài rồi.”

“Hahaha, nhìn đôi giày cô ta đi kìa, toàn là giày khuyến mãi giảm giá.”

“Không biết cô ta mua mấy đôi giày giá ba, bốn chục ở đâu ra, mang nổi không đấy hahahaha.”

“Ơ, cô ấy có phải chỉ có hai đôi giày không nhỉ, chưa từng thấy cô ấy thay đôi nào khác.”

“Có khi nào không thèm giặt giày không?”

Những lời quá đáng hơn thế, tôi không phải chưa từng nghe qua.

So với những lần trước, lần này chẳng đáng gì.

Tôi giữ nét mặt bình thản, đáp lại:

“Quan tâm tôi thế, các cậu định quyên góp cho tôi à?”

Đôi khi, biến điểm yếu thành vũ khí phản kích là cách tốt nhất.

Lo lắng cho hoàn cảnh mà hiện tại không thể thay đổi, chỉ tổ tự chuốc thêm phiền muộn.

Họ lập tức im bặt, trên mặt hiện rõ vẻ chột dạ.

Cười nhạo tôi nghèo, nhưng lại không giúp tôi thoát nghèo.

Vậy tôi nghèo hay không nghèo thì liên quan gì đến các cậu?