4
Tất cả những gì xảy ra trong đêm mưa hôm đó đã khô ráo, tan biến theo ánh nắng chói chang của ngày mới.
Tôi đi công tác hơn nửa tháng, bận đến mức không còn thời gian để nghĩ ngợi.
Vì vậy, khi kéo vali, nhập mật khẩu mở cửa nhà, tôi không tránh khỏi có chút ngỡ ngàng khi đột nhiên lại đối diện với Tô Dư ngay trước mặt.
Tô Dư đang mặc một chiếc váy ren hai dây. Chỉ liếc một cái, tôi đã nhận ra đó là chiếc váy tôi từng bỏ vào tủ quần áo của Trần Vọng Tân.
Ánh mắt vui vẻ của Tô Dư khi thấy tôi liền chuyển sang một chút thù địch. Cô ấy mỉm cười, dùng giọng điệu của chủ nhà chào hỏi:
“Cô Lâm đến đây có việc gì không?”
Tôi xoa xoa thái dương đang đau nhức vì mệt mỏi, không thèm chất vấn xem tại sao cô ta lại ở đây, cũng không hỏi Trần Vọng Tân đang ở đâu. Tôi chỉ trả lời bằng một nụ cười điềm tĩnh:
“Tôi chỉ đến thu dọn một vài thứ, xong sẽ đi ngay.”
Dù sao cũng đã sống ở đây ba năm, tôi phải đi lên đi xuống nhiều lần mới thu xếp hết đồ đạc của mình.
Thậm chí, tôi không bỏ sót cả chậu hoa hồng ở ban công, mặc dù những năm qua vẫn là Trần Vọng Tân chăm tưới cho nó.
Tô Dư liếc tôi một cái khi thấy tôi đang dọn dẹp đống hành lý lớn, nhắc nhở:
“Cô Lâm nhớ kiểm tra kỹ xem có sót gì không nhé.”
Cô ta ngẩng cao cằm, nét mặt nhỏ nhắn, ngoan ngoãn, nhưng ánh mắt lại toát lên chút chua cay:
“Dù sao, người mới đã vào đây, đồ cũ cũng nên bị bỏ ra ngoài. Nếu có gì để sót lại, chẳng lẽ lại bắt cô phải xuống thùng rác tìm?”
Tôi vẫn giữ nguyên nét cười:
“Cô nhắc thế, tôi chợt nhớ ra rồi… hình như vẫn còn một món cuối chưa mang đi.”
Ánh mắt tôi lướt qua người Tô Dư, khóe mày nhướng lên:
“Chiếc váy ngủ cô đang mặc là của tôi, có muốn cởi ra trả không?”
“Cô!”
Tô Dư che ngực, mặt đỏ bừng lên vì tức giận. Tôi không muốn đôi co với cô ta, chỉ vẫy tay, lạnh nhạt nói:
“Thôi, tôi cũng ưa sạch sẽ. Cho cô đấy, tôi không cần nữa.”
5
Tôi mang hành lý nặng nề về căn hộ tôi từng thuê.
Dù sống chung với Trần Vọng Tân nhưng tôi vẫn chưa bao giờ trả lại căn hộ đó.
Có lẽ vì tôi luôn bi quan, nghĩ rằng tất cả những gì với Trần Vọng Tân chỉ là ảo mộng, sớm muộn gì cũng sẽ tỉnh giấc.
Cũng may nhờ sự bi quan đó nên bây giờ tôi mới có nơi để về.
Tôi rửa mặt qua loa rồi nhanh chóng lên giường thiếp đi ngay do không thể cưỡng lại cơn buồn ngủ vì những ngày làm việc liên tục vừa qua.
Đến khi tỉnh dậy, trời đã về chiều, bóng tối vô tận dần nuốt chửng tôi.
Trong lòng tôi bỗng thấy trống rỗng, nỗi cô đơn như vô vàn dòng nước len lỏi vào lấp đầy khoảng trống ấy. Cảm giác này, như thể bị cả thế giới bỏ rơi.
May mắn thay, cảm giác ấy không quá kéo dài vì đã bị phá vỡ bởi tiếng chuông điện thoại bất ngờ. Tôi nhấc máy, giọng của mẹ vang lên bên tai.
Mẹ nói những câu chẳng có gì mới mẻ, chủ yếu là hỏi tôi có ăn uống, ngủ nghỉ tốt không, công việc có thuận lợi không,… Vẫn là những câu hỏi lặp đi lặp lại suốt những năm qua.
Tôi yên lặng lắng nghe, thỉnh thoảng đáp lại vài câu. Đến cuối cùng, giọng nói của mẹ có chút nghẹn ngào:
“Âm Âm, Tết năm nay con có về không?”
Tôi không hiểu tại sao mẹ lại hỏi về Tết sớm như vậy nhưng vẫn thành thật trả lời:
“Chưa chắc nữa, sao vậy mẹ?”
Bên kia im lặng một lát rồi mới đáp:
“Không có gì, mẹ chỉ là lâu rồi không gặp con, thấy nhớ con mà thôi.”
Câu nói ấy như một nhát búa, gõ mạnh vào tim tôi, một nỗi chua xót chợt ùa lên.
Tôi xuất thân từ gia đình đơn thân. Từ nhỏ, khái niệm về gia đình đối với tôi rất mơ hồ. Ký ức tuổi thơ trong tôi chỉ là hình ảnh người bố lông bông, suốt ngày say xỉn.
Ông chẳng có tiếng tăm gì tốt, cờ bạc rượu chè đều vướng vào. Khi thắng tiền, cuộc sống của mẹ con tôi dễ thở hơn một chút, ít nhất sẽ không bị đánh.
Nhưng khi thua thì lại khác, ông sẽ mượn hơi men để nổi điên, túm tóc mẹ tôi, lôi bà như lôi con vật chờ làm thịt vào căn phòng tối tăm chỉ có một bóng đèn mờ.
Ngôi nhà cũ nát, cửa đóng không chặt.
Mới năm tuổi, tôi đứng ngoài cửa, qua khe hở mỏng manh, bị buộc phải chứng kiến cảnh mẹ chịu đựng.
Bên trong vang lên tiếng kêu đau đớn của mẹ, bên ngoài tôi vừa khóc vừa đập tay đến nỗi rướm máu.
Tôi không thể phá cửa cũng như không thể ngăn chặn cảnh tượng tàn ác đó tiếp diễn.
Những ngày tháng đó kéo dài mãi. Cho đến khi, nắm đấm đầy gân xanh của bố giáng xuống người tôi.
Mẹ tôi vốn nhẫn nhịn, nhưng hôm đó đột nhiên phản kháng. Bà cầm lấy con dao, vung loạn xạ:
“Thằng súc sinh! Động vào Âm Âm lần nữa thì chết chung cả lũ!”
Mái tóc đen rối bù, trán bị thương rỉ máu. Thoạt nhìn, mẹ như một ác quỷ bò ra từ địa ngục.
Bố tôi bị hù dọa, chửi mắng vài câu rồi bỏ đi.
Mẹ đặt dao xuống, bỗng nhiên kiệt sức, ôm chặt tôi vào lòng. Nước mắt nhỏ từng giọt lên tóc tôi, mẹ nghẹn ngào:
“Âm Âm đừng sợ, mẹ sẽ đưa con đi.”
Sau đó, một mình mẹ gồng gánh nuôi tôi khôn lớn. Bà làm lụng vất vả, cố gắng cho tôi một cuộc sống tốt hơn.
Những gì tôi có thể làm là học hành chăm chỉ, làm việc tốt, thành đạt để mẹ được an nhàn.
Nhưng những năm qua tôi chỉ mải kiếm tiền mà quên rằng, điều bà thực sự cần là sự quan tâm và gần gũi.
Tôi nhìn số dư tài khoản, một dãy số đủ để tôi không cần làm gì suốt quãng đời còn lại.
Tôi không còn lý do gì để phải ở lại Bắc Kinh nữa.
Sau khi đã nghĩ thông suốt, tôi dành một tuần để giải quyết công việc cần bàn giao, đồng thời làm thủ tục nghỉ việc.
Đêm rời đi, lòng tôi nhẹ nhõm.
Tôi không mang theo cả hành lý.
Trước khi lên máy bay, tôi gửi cho Trần Vọng Tân một tin nhắn cuối cùng, xem như chấm dứt ba năm của chúng tôi.
[Tôi về quê lấy chồng rồi, sau này đừng liên lạc nữa.]
6
Bỏ lại công việc sau lưng, những ngày ở quê tôi trở nên quá đỗi nhàn hạ.
Để tránh cảm giác buồn chán, tôi dựng lên một khu vườn nhỏ trồng đầy hoa, mỗi ngày chăm sóc hoa lá cũng thấy bình yên.
Nhưng sự an nhàn của tôi lại khiến mẹ cảnh giác không thôi.
Đúng là không ai hiểu con bằng mẹ.
Ngày đầu tiên tôi về, mẹ đã nhận ra tôi có gì đó không ổn. Thế nhưng mẹ chẳng hỏi gì cả.
Tôi cũng không biết phải mở lời từ đâu nên đành giả vờ lơ đễnh.
“Con trai chú Tống nghe nói con về, bảo là lâu rồi hai đứa không gặp.”
Tôi đang nằm trong sân, tắm nắng và ngả người thư giãn thì chợt nghe mẹ lên tiếng.
Tôi vẫn nằm yên, cặp mắt lim dim và mơ màng, ậm ừ đáp lại.
Thấy tôi không có vẻ gì phản đối, mẹ yên tâm hơn một chút, tiếp tục nói:
“Mẹ nghĩ hai đứa còn trẻ, chắc sẽ có chuyện để nói. Mẹ đã nhận lời cậu ấy thay con rồi. Chỉ là đi dạo một chút, ăn bữa cơm thôi. Con cứ ở nhà suốt, rồi cũng sẽ có lúc buồn chán mà thôi.”
Mẹ ẩn ý trong lời nói. Tôi biết mình đang yếu thế, đành đồng ý một cách thoải mái.
“Được thôi, thì gặp một lần cũng tốt.”