5


Không bao lâu sau, ta đã biết “Hoa Nhi” là ai.

Hôm đó, khi ta mang bữa khuya đến cho Bùi Thanh Hằng, vừa đến trước thư phòng liền nghe thấy giọng của Trường Huyền bên trong:
“Công tử, án đã điều tra rõ, chúng ta cũng chuẩn bị hồi kinh. Tiểu Nhi cô nương, ngài định xử trí thế nào?”
“Ta sẽ mang nàng về kinh.”

“Nhưng công tử hồi kinh liền phải thành thân với Liên Hoa công chúa. Tiểu Nhi cô nương e rằng…”

Bên trong bỗng chốc yên lặng.
Ta áp tai sát cửa, hai tay run lên, lòng ngập tràn bất an và lo sợ, chờ đợi câu trả lời của Bùi Thanh Hằng.
Đó là cảm giác bối rối và hồi hộp chưa từng có.

Tựa như đã qua thật lâu, mà cũng chỉ như một khoảnh khắc, giọng nói của chàng vang lên, vẫn lạnh lùng như thường lệ:
“Một nha đầu quê mùa ngu ngốc, Hoa Nhi tất nhiên sẽ chẳng để tâm.”

Tim ta như rơi xuống đáy vực.
Nha đầu quê mùa ngu ngốc.
Đây chính là khoảng cách giữa bụi trần và ánh trăng.
Dù ta có cố gắng thế nào, cũng chẳng thể đến gần chàng dù chỉ một chút.

Ta hít sâu mấy hơi, cố giữ nụ cười như thường ngày, gõ cửa và nói:
“Công tử, bữa khuya đã chuẩn bị xong, mời dùng lúc còn nóng.”

Sau đó, mọi việc vẫn diễn ra như trước.
Ta chu đáo chăm sóc Bùi Thanh Hằng, cho đến khi Trường Huyền bảo ta thu dọn hành lý, cùng họ về kinh.

Đêm trước ngày khởi hành, ta lặng lẽ đeo hành lý, rời đi mà chẳng nói lời nào.
Mẹ ta đã chuyển đến một thị trấn phía Nam, ta phải đi tìm bà.

Xe ngựa chầm chậm đi suốt một đêm.
Lúc trời vừa sáng, từ xa truyền đến tiếng vó ngựa dồn dập.
Người trên ngựa là Bùi Thanh Hằng.

Chàng sắc mặt trầm lặng, thúc ngựa đến trước xe của ta, ghìm dây cương lại.
“Theo ta về.”

Ta ngẩng đầu nhìn chàng, mỉm cười:
“Tiểu Nhi ngu ngốc, không theo công tử hồi kinh đâu. Công tử ở kinh thành, bất kỳ một nô tỳ nào cũng hầu hạ tốt hơn Tiểu Nhi.”

Chàng khẽ sững lại, rồi nghiêm giọng gọi ta:
“Đừng làm loạn nữa, Tiểu Nhi, theo ta đi.”

“Ta không làm loạn,” ta vẫn cười, nói:
“Tiểu Nhi hầu hạ công tử, chẳng qua vì bạc. Nay bạc đã đủ, từ đây xin từ biệt công tử.”

Ánh mắt chàng thoáng tối lại, thúc ngựa tiến thêm vài bước, lạnh lùng nói:
“Theo ta đi, nếu không thì từ nay về sau, đừng bao giờ đến tìm ta nữa.”

Ta không chút do dự, lắc đầu:
“Công tử yên tâm, Tiểu Nhi cả đời này sẽ không tìm đến ngài.”

“Được.”

Chàng bỗng cười, dáng cười tựa đóa hoa thược dược nở rộ, nhưng ánh mắt lại lạnh lẽo như sương.

Ngay sau đó, chàng quay đầu ngựa, không ngoảnh lại mà đi thẳng.
Ta cũng không lưu luyến, khẽ vung roi ngựa, tiếp tục tiến về phương Nam.

6


Ta và mẹ sống ở trấn nhỏ được nửa năm.
Bệnh của bà đã thuyên giảm nhiều, ngày càng mong mỏi cái ấm áp của phương Nam.
Sau đó, chúng ta bán luôn căn nhà ở đây.
Mẹ đi về Giang Nam, còn ta phải đến kinh thành một chuyến, cùng bà Cối, hàng xóm, mang quần áo và lộ phí cho nhi tử bà đang học ở Thái Học.

Trên đường đi vốn thuận lợi, nhưng gần đến kinh thành lại gặp cướp.
Tiền bạc đều bị cướp sạch, ngay cả lộ phí trở về cũng không còn.
Bà Cối vì lo lắng quá mà đổ bệnh, ta dùng số bạc cuối cùng giấu trong người thuê một căn nhà nhỏ ở vùng ngoại ô kinh thành.
Để kiếm sống, ta mở một quán nhỏ, bán mì nước theo kiểu Liêu Đông.

Ta phát hiện người kinh thành sau khi giết lợn chỉ bán phần thịt nạc, còn lại nội tạng thì bán rất rẻ, liền mua về cả.
Đun sôi trong nồi lớn, thêm gia vị rồi để qua đêm cho ngấm.
Bột mì nấu chín, chan một muỗng nội tạng hầm, đổ đầy nước dùng, là có ngay một bát mì nóng hổi, thơm nức mũi.

Món mì rẻ, ngon và no bụng này được rất nhiều người yêu thích.
Quán mì của ta ngày càng đông khách, mỗi sáng sớm đều có người xếp hàng.
Nếu cứ bán như thế này, không đến một năm, ta có thể tích đủ tiền lộ phí để đưa bà Cối về quê.

Hôm nay, sáng sớm quán đã đông khách, ta bận rộn đến mức mồ hôi túa ra khắp trán.
“Một bát mì, thêm nhiều nước.”
Đột nhiên có một giọng nói vang lên, quen thuộc đến kỳ lạ.

Ta sững người, ngẩng đầu lên. Qua làn hơi nước, ta thấy Bùi Thanh Hằng đang đứng trước quán, dáng vẻ vẫn ung dung tựa thần tiên, không vướng chút bụi trần.
Chàng mặt không biểu cảm, tựa như không nhận ra ta, nói xong liền tìm một chỗ ngồi xuống.

Ta bừng tỉnh, vội nấu mì.
Khi chan nước dùng, tay ta thoáng khựng lại lúc định rắc hành hoa.
Chàng không thích hành.

Do dự giây lát, ta chỉ rắc vài cọng làm điểm nhấn rồi mang bát mì đến.
Món ăn đơn giản, thô sơ này, trước chàng, thật có chút không hợp cảnh.
Nhưng chàng lại nhìn bát mì, khẽ nhếch môi cười, rồi tự mình bắt đầu ăn.

Ta thở phào nhẹ nhõm, quay lưng định tiếp tục công việc.
“Tiểu Nhi.”
Giọng nói nhàn nhạt của chàng vang lên từ phía sau:
“Sao ngươi lại đến kinh thành?”

Ta cúi đầu, thật thà đáp:
“Ta đến tìm người.”

Khóe môi chàng dường như cong thêm một chút.
“Tìm người? Chẳng phải khi trước ngươi nói cả đời sẽ không…”

“Tiểu Nhi!”

Câu nói của chàng bị một tiếng gọi cắt ngang.

Cối Yến hổn hển chạy từ đầu hẻm đến:
“Chẳng phải ta đã bảo đợi ta đến rồi mới bày quán sao? Sao ngươi lại tự mình làm hết vậy?”

Ta cười, phất tay nói:
“Ngươi lo học ở Thái Học là được, không cần phải đến đây.”

“Hôm nay thư viện nghỉ, ta giúp ngươi bày quán trước, rồi sẽ đưa ngươi và mẹ ta đi dạo hồ, chợ ở đó náo nhiệt lắm.”

Vừa nói, y vừa xắn tay áo, bắt đầu phụ ta  nấu mì.

Cối Yến chính là con trai của bà Cối, mấy tháng ở kinh thành này, ta và y đã quen thân.
Hai người chúng ta, một người cán bột, một người nấu nước, quả nhiên nhanh hơn rất nhiều.

Đang bận rộn, vô tình ta ngẩng đầu, chợt thấy Bùi Thanh Hằng vẫn ngồi một bên.
Ánh mắt chàng sâu thẳm, đong đầy sắc tối, nhìn chằm chằm ta không rời.
Đôi tay cầm đũa của chàng nắm chặt đến mức trắng bệch.

“Tiểu Nhi.”
Cối Yến ở bên cạnh cũng phát hiện, khẽ chạm vào tay ta mà hỏi:
“Người ngồi kia, ta thấy giống vị tân nhậm Thiếu khanh của Đại Lý Tự.
Sao ngài ấy cứ nhìn ngươi mãi vậy, ngươi có quen không?”

Ta vội lắc đầu:
“Quan lớn ở kinh thành thế này, làm sao ta quen được.”

“Phải nhỉ,” Cối Yến không nghi ngờ, bật cười:
“Chắc ta nhìn nhầm rồi. Mau làm xong việc, lát nữa ta đưa ngươi đi dạo chợ.”

“Được.”
Ta đáp lời, múc một muôi nước lạnh vào nồi, đợi nước sôi, chan mì, rưới nước dùng, rắc thêm hành và ớt, làm một mạch xong xuôi.

Đã nói cả đời không tìm đến, vậy thì coi như chưa từng quen biết.
Những chuyện ở Liêu Đông, ta sẽ không để người khác biết nữa.

Qua thêm một hồi bận rộn, khi ta ngẩng đầu lên, Bùi Thanh Hằng đã rời đi tự lúc nào.

7

Cuối cùng cũng hết việc, dọn dẹp xong sổ sách, bà Cối lại nói gần đây bà ngủ không sâu, tinh thần mệt mỏi, không muốn đi dạo chợ.
Ta lo lắng, hỏi:
“Có cần mời đại phu không?”

“Không cần, không cần,” bà vừa nói vừa đẩy ta ra ngoài:
“Ngươi cùng Yến nhi đi chơi thêm một chút, về muộn cũng được, ta muốn nghỉ ngơi cho thật đã.”

Mấy tháng đến kinh thành, đây là lần đầu tiên ta đi dạo chợ, mới biết kinh thành phồn hoa, náo nhiệt đến nhường nào.
Nhưng giá cả cũng đắt đỏ đến không tưởng.
Một bình trà nhỏ cũng tốn nửa đồng bạc, chẳng rõ là loại lá trà quý giá gì.

“Tiểu Nhi, thích gì cứ nói, ta mua cho ngươi.”
Mắt Cối Yến sáng lấp lánh, thỉnh thoảng lại nhặt một món đồ trên sạp đưa cho ta xem.

Ta kéo tay áo y, nói:
“Đắt quá, chỉ một chiếc gương nhỏ thôi cũng bằng tiền bán mì nửa tháng của ta.”

“Thời gian qua, tan học ta liền đến thư cục chép sách, hôm qua vừa nhận được tiền công.”
Y vừa nói vừa tháo túi bạc bên hông, nhét vào tay ta:
“Trước khi đi, mẹ ta còn dặn kỹ, nếu ngươi không mua gì, ta biết ăn nói thế nào với bà đây?”

Cối Yến vốn đã tuấn tú, giờ nở nụ cười, lại thêm phần phóng khoáng, tràn đầy khí chất của một thiếu niên chất phác .
Khí chất này, khi ở Liêu Đông ta rất ít khi nhìn thấy.

Ta cười, nắm chặt túi tiền:
“Ngươi nói đấy nhé, chờ tiền tiêu hết, đừng có tiếc.”

“Ta còn vui không kịp, sao lại tiếc được.”
Y cũng cười, kéo tay ta, càng thêm hào hứng.

Dạo thêm một hồi, ta dừng bước, ánh mắt dừng lại ở một góc của một sạp hàng.
Ở đó có một đóa trâm cài bằng nhung nhỏ xinh.

Đó là bông hoa băng tinh ở Liêu Đông.

“Ngươi thích không?”

Cối Yến vừa định với tay lấy đóa hoa, bỗng từ phía sau y xuất hiện một cánh tay thon dài, nhanh chóng lấy đi trước.
Tiếp theo đó, một miếng bạc vụn được ném xuống.
“Không cần trả lại.”

Ta nghe thấy giọng nói lạnh lùng ấy, trong lòng không khỏi kinh hãi.
Quay đầu nhìn, quả nhiên là Bùi Thanh Hằng.
Chàng cầm đóa trâm nhỏ trong tay, khẽ liếc qua ta, ánh mắt nhàn nhạt, lạnh lùng như băng giá.

Ta vội quay đi, cười với Cối Yến:
“Không sao, chúng ta đi xem chỗ khác.”

Nhưng Cối Yến lại chỉnh trang y phục, bước đến trước mặt Bùi Thanh Hằng, hành lễ mà nói:
“Chẳng hay đây có phải là Thiếu khanh Đại Lý Tự, Bùi đại nhân ?”

“Là ta.”

Cối Yến chỉ vào đóa trâm, cung kính nói:
“Thưa đại nhân, bằng hữu của thảo dân rất thích đóa hoa này. Chẳng hay có thể xin đại nhân nhường lại? Thảo dân nguyện trả gấp đôi giá tiền.”

“Bằng hữu?”
Bùi Thanh Hằng khẽ nhếch môi, ánh mắt chuyển sang nhìn ta:
“Đã là bằng hữu của ngươi thích, cớ sao không tự mình đến nói với ta?”

“Tiểu Nhi, lại đây, đừng sợ.”
Cối Yến vẫy tay gọi ta.

Nhưng ta vẫn đứng yên, không muốn bước lên.
Bùi Thanh Hằng trước mắt vẫn như xưa, phong thái nhã nhặn, thoát tục, nhưng ta lại cảm thấy có điều gì đó khác lạ.
Đặc biệt là đôi mắt kia, khi nhìn sang, như có thể nuốt chửng người khác.

Đang do dự, bỗng từ xa chạy đến một cô nương , đâm sầm vào lòng Bùi Thanh Hằng.
“Thanh Hằng ca ca, sao huynh đi dạo phố mà không gọi muội?”

Cô gái ấy thần thái rạng rỡ, cả người lộng lẫy với trang phục sáng chói ngọc ngà.
Trên búi tóc cài một cây trâm hình hoa sen, lấp lánh ánh sáng.
“Đây là gì?”

Nàng nhìn thấy đóa hoa nhung trong tay Bùi Thanh Hằng, tò mò cầm lên xem xét.
“Chất liệu rẻ tiền, đường kim thô thiển, Thanh Hằng ca ca, sao huynh lại để mắt đến thứ này?”
Nói xong, nàng tiện tay ném đóa hoa xuống đất.

“Hoa Nhi, đừng…”
Bùi Thanh Hằng kinh hô, định nhặt lại.
Nhưng trên phố người qua kẻ lại đông đúc, chẳng mấy chốc đóa hoa đã bị dẫm nát.

Sắc mặt Bùi Thanh Hằng tái nhợt, đứng ngây ra như tượng.
Cô gái kia lại vui vẻ khoác tay chàng, kéo đi:
“Khó lắm muội mới được ra khỏi cung, huynh phải đi cùng muội dạo phố cho thật vui.”

8

“Tiểu Nhi, đừng buồn, chúng ta… chúng ta xem chỗ khác nhé.”
Cối Yến dè dặt nhìn sắc mặt ta, lên tiếng an ủi.
Y nói vậy, nhưng chính y lại trông còn khó chịu hơn cả ta.

Cô nương vừa rồi chắc chắn là Liên Hoa công chúa, quả nhiên cao quý, danh giá.
Nàng và Bùi Thanh Hằng mới là trời sinh một đôi.

Trong mắt họ, ta chẳng khác gì đóa hoa nhung bị tiện tay vứt vào bùn đất kia, thậm chí còn không đáng để họ nhìn thêm một cái.

Ta từ lâu đã hiểu rõ đạo lý này, cũng không cảm thấy buồn.
Chỉ là thấy tiếc cho đóa hoa nhung kia, vốn đẹp đẽ, giờ lại uổng phí mà thôi.

Ta ngẩng đầu, rạng rỡ mỉm cười với Cối Yến:
“Chợ còn bao nhiêu thứ khác, chúng ta đi mua cái khác là được.”

Sau đó, chúng ta dạo thêm hồi lâu, nhưng không thấy thêm đóa hoa băng nào nữa.
Cối Yến lộ vẻ tiếc nuối, nói:
“Tất cả là tại ta, nếu lúc nãy nhanh tay hơn, đã không để Bùi đại nhân mua mất.
Nhưng đã mua rồi, cớ sao lại không trân trọng mà vứt bỏ?”

“Cối Yến, theo ta.”
Không muốn y tự trách, ta kéo y chạy đến chỗ xe đẩy bán củ cải.
“Chủ quán, lấy cho ta một củ cải, có thể cho mượn con dao được không?”

Dưới ánh mắt khó hiểu của Cối Yến, ta cầm củ cải trong tay, dùng dao nhỏ bắt đầu cẩn thận gọt tỉa.
Hồi nhỏ, khi cha ta còn sống, ông rất khéo tayz, thường khắc đủ loại hoa từ củ cải, nhanh chóng bán hết.
Ta thấy hay, ngày nào cũng mè nheo đòi học.
Đáng tiếc, cha chỉ dạy ta được hai năm thì lâm bệnh qua đời.

Chẳng mấy chốc, củ cải trong tay ta đã được khắc thành một đóa hoa băng.
Trong suốt, lấp lánh, trông rất bắt mắt.

” Mẫu thân ơi, đẹp quá, con muốn!”
“Con cũng muốn, con cũng muốn!”

Không biết từ lúc nào, trước xe đẩy đã có rất nhiều trẻ con tụ lại, tranh nhau muốn có hoa củ cải.
Ta hào hứng khắc thêm, lần lượt làm ra những thứ cha từng dạy:
Hoa nhỏ, thỏ con, hổ con, búp bê nhỏ…

Đám trẻ vây quanh ta, vui sướng reo hò, cầm những món đồ ấy mà không nỡ buông tay.

“Thanh Hằng ca ca, huynh nhìn lâu như thế rồi, nếu thích thì mua đi chứ!”

Ta đang chăm chú khắc thì bỗng nghe thấy giọng nói của Liên Hoa công chúa.
Theo phản xạ ngẩng đầu, vừa hay chạm phải ánh mắt của Bùi Thanh Hằng cách đó không xa.

Tay ta khẽ run, lưỡi dao cắt vào da thịt, máu tươi trào ra.
” ai nha! Ngươi có đau không?
Cối Yến kinh hô, vội nâng tay ta lên:
“Chúng ta mau đến y quán tìm đại phu.”

Ta lắc đầu, không mấy để ý, nói:
“Chỉ là vết thương nhỏ, bôi chút thuốc là được.”

“Được, vậy mau về nhà.”
Cối Yến kéo tay ta, lại quay sang lũ trẻ cười bảo:
“Tỷ tỷ bị thương rồi, không thể khắc thêm hoa củ cải cho các muội nữa.”

Bọn trẻ tỏ ra tiếc nuối, nói:
“Vậy huynh phải chăm sóc tỷ tỷ thật tốt, đợi tỷ tỷ khỏi rồi nhớ quay lại!”

“Được, nói lời phải giữ lời.”

Ta theo Cối Yến rời đi, nhưng luôn có cảm giác như có ánh mắt bám riết theo mình, như dây leo quấn chặt, không rời một bước.