Nhìn thoáng qua, tôi nghĩ chắc giờ đây ông bố giàu có này thấy cái ghế nhựa này cấn vào người lắm.

Trong tiếng ồn của máy sấy, ông đắn đo hỏi: “Cún con… cún con này được bao lâu rồi?”

“Một năm rồi.”

Bố ruột tôi chà tay lên quần tây, giọng chậm rãi: “Minh Châu tối qua đã chủ động nói muốn về. Con cũng biết đôi vợ chồng nhà họ Hướng thế nào rồi.”

Giọng ông ngập ngừng, có phần áy náy: “Bố biết con hận, nhưng nỗi khổ con đã trải qua không thể để người khác chịu thêm lần nữa.”

Tôi cúi đầu, tăng tốc độ sấy lông cho cún con.

“Nhưng con yên tâm, Minh Châu sau này sẽ không sống cùng chúng ta. Năm nay nó vào lớp mười hai rồi, trải qua nhiều chuyện như vậy, nếu ở nhà họ Hướng sẽ không có lợi cho việc thi đại học của nó. Bố và mẹ đã bàn bạc để nó ở nơi khác, sẽ không làm phiền đến con.”

“Tôi ép Lục Minh Châu đi, chẳng phải Lục Minh Thành sẽ hận chết tôi sao?” Tôi tắt máy sấy, không đáp theo ý ông mà tiếp tục chải lông cho cún con.

“Hơn nữa, một cô gái sống một mình bên ngoài, không phải quá nguy hiểm sao? Đến lúc đó chẳng phải hai người sẽ lo lắng sao? Tôi chưa từng nghĩ sẽ tranh giành tình cảm hơn mười năm giữa mọi người và cô ấy.”

Khuôn mặt bố thay đổi, ánh mắt lướt qua căn hộ nhỏ rồi dừng lại ở tôi.

Từng câu nói của tôi vô tình nhắc nhở ông rằng, tôi, một cô gái sống một mình trong căn phòng trọ chật hẹp, cũng phải đối mặt với những nguy hiểm, nhưng chẳng ai bận tâm đến.

Tôi có chút bất đắc dĩ, lần nữa nghiêm túc nói:

“Ông Lục, ngay từ đầu tôi chỉ muốn hai trăm triệu để cắt đứt quan hệ thôi. Không có cha mẹ mà có tiền thì tôi càng thấy thoải mái.”

“Nhu Nhu.” Bố ruột gọi tôi, “Con quá cực đoan, tự vây lấy mình, đắm chìm trong quá khứ, khiến nỗi đau vướng vào người khác, kéo người ta xuống cùng con. Không thể cho bố mẹ một cơ hội sao? Bố và mẹ sẽ không thiên vị đâu.”

“Nhưng thứ tôi muốn, chính là sự thiên vị.” Tôi đột nhiên ném cây lược xuống đất, tiếng động vang lên khiến bố tôi khựng lại, còn làm cho bé cún giật mình.

Cún con dụi đầu vào tay tôi, tôi đưa tay xoa xoa đầu nó, hít một hơi sâu để bình tĩnh lại.

“Là tôi đang đẩy nỗi đau của mình lên người khác sao? Vậy tôi bị đánh, bị mắng, bị bỏ đói là tại tôi đáng phải chịu hả?”

Bố tôi vội vàng giải thích, “Ý bố không phải thế.”

“Tôi đã nói rồi, chỉ cần đưa tiền là xong.” Tôi cắt ngang lời ông, “Chính các người muốn chứng tỏ mình, ép buộc tôi phải về nhà họ Lục, còn bắt tôi phải cao thượng mà tha thứ.”

Một giọt nước mắt lăn xuống đúng lúc, tôi đưa tay lau mặt, rồi đứng dậy mở cửa.

“Mời ông Lục về.”

Bố tôi không muốn đi, nhưng tôi đã mở cửa, đứng đó như đang tiễn khách.

Ông nhìn tôi, định nói gì đó, nhưng tôi quay mặt đi. Đợi ông đi rồi, tôi phấn khích ôm bé cún, nói với nó:

“Xin lỗi nhé, làm con sợ rồi. Nhưng mà, diễn xuất của mẹ có phải quá đỉnh không chứ! Mẹ đúng là tiềm năng tương lai cho ngôi vị ảnh hậu, ngôi sao sáng sắp nổi trong làng giải trí đây!”

Tôi không nhịn được bật cười lớn, rồi nước mắt lại rơi ra chẳng hiểu vì sao.

Sao mà nước mắt diễn xong vẫn không kiềm lại được thế này?

Cảm giác từng nhát dao đâm vào tim người khác thật tuyệt, tôi đã đau đớn suốt bao năm, sao có thể để một mình tôi chịu đựng.

10

Bé cún liếm lên mặt tôi, cuối cùng mắt tôi cũng ngừng rơi lệ.

Tôi chạy đi rửa mặt, khi nước lạnh chạm vào đầu ngón tay, cảm giác khó chịu trong lòng cũng vơi đi phần nào.

Vẫn còn trẻ quá, cảm xúc vừa bộc phát là không thể kìm lại được.

Chẳng phải người ta nói “gần mực thì đen” sao?

Bị người đó đánh đập quá nhiều, tôi vô tình cũng trở nên bộc phát.

Cảm xúc đó lại càng rõ rệt hơn mỗi khi chạm mặt gia đình họ Hướng.

Nghĩ đi nghĩ lại, tôi dội hẳn nước lạnh từ đầu đến chân cho tỉnh táo.

Kết quả ngoài ý muốn mà cũng hợp lý, tôi bị cảm và sốt.

Bệnh đến như núi đổ.

Trước giờ tôi không dễ mắc bệnh, sao dạo này cứ bệnh liên miên thế này!

Tôi hít hít mũi, nghẹt cả đường thở.

Thở bằng miệng thì chỉ vài phút sau cổ họng đã khô rát đau nhức.

Thẩm Đình Lam ngồi ở đầu giường, hí hửng pha nước nóng, dán miếng hạ sốt, rồi pha thuốc cảm cho tôi uống.

Ban đầu cậu ấy định đưa tôi đi bệnh viện, nhưng tôi nhất quyết không chịu.

Cậu ấy gọi bác sĩ đến, tôi cũng dở trò không cho khám.

Như một đứa trẻ ngang ngạnh, đúng kiểu phiền phức nhất.

Nhìn sắc mặt khó chịu của Thẩm Đình Lam, tôi hắng giọng, cố nhịn đau mà nói:

“Này, yêu tinh! Trước giờ tôi đâu có dễ bệnh thế này, chắc chắn là do cậu hút hết tinh khí của tôi rồi!”

Giọng tôi nặng mũi lại còn khàn đặc, vừa nói xong họng đã càng đau hơn.

May mắn là Thẩm Đình Lam bật cười, mắt cong lên, cúi đầu trêu chọc tôi, “Nói xem nào, tôi hút tinh khí của em thế nào?”

Tôi chớp mắt mấy cái, đầu vốn đã nóng bừng và đau nhức, giờ lại càng cảm giác như có dòng nhiệt thiêu đốt tâm trí.

Tôi nghiêng đầu, “Tránh xa ra, coi chừng lây đó.”

Thẩm Đình Lam đưa tay nhéo tai tôi, cười nham nhở: “Ngại à? Tai đỏ đến mức sắp chảy máu rồi này.”

“Do sốt đấy!” Tôi kéo chăn trùm kín đầu, hậm hực nói.

Thẩm Đình Lam kéo tôi ra khỏi chăn, chọc nhẹ lên đầu tôi, “Trùm kín đầu không ngộp thở sao!”

Tôi chuẩn bị cãi lại, nhưng cậu ấy đã giúp tôi đắp chăn cẩn thận, nhẹ nhàng bảo: “Được rồi, không chọc em nữa. Nghỉ ngơi cho khỏe mới nhanh khỏi bệnh được.”

Nói rồi, cậu ấy mở ngăn tủ bên giường, hỏi: “Nhu Nhu của chúng ta hôm nay muốn nghe truyện cổ tích nào đây?”

Mỗi lần tôi bệnh khó chịu, cậu ấy chăm sóc, ru tôi ngủ bằng cách kể truyện cổ tích.

Tôi nghĩ ngợi, hít hít mũi: “Cây đậu thần!”

“Ngày xửa ngày xưa…” Giọng đọc của Thẩm Đình Lam bắt đầu vang lên, vừa nghe đã thấy buồn ngủ.

Trong mơ màng, tôi cảm thấy mũi hơi ngứa, nghe được câu trách yêu: “Đồ nhóc con.”

Tiếng mở cửa, tiếng bước chân, tôi còn nghe thấy câu nói về việc cần đưa tôi đến bệnh viện.

Thực ra tôi muốn mở miệng bảo không muốn đi, nhưng mắt nặng trĩu, buồn ngủ không chịu nổi, chỉ vô thức nắm chặt lấy áo của Thẩm Đình Lam.

Tôi ghét bệnh viện.

Chị tôi đã nằm ở đó, khi Hoàng Nguyệt Kiều chê phí phẫu thuật quá đắt, từ bỏ điều trị cho chị, nói một cách lạnh lùng rằng “chết thì chết.”

Nước mắt tự nhiên lăn xuống, tôi nghe thấy giọng Thẩm Đình Lam khẩn khoản: “Nhu Nhu, mình đi bệnh viện nhé, được không?”

Có Thẩm Đình Lam ở bên, chắc cậu ấy sẽ không để tôi chết đâu nhỉ.

11

Tôi ngủ rất lâu, mơ từng đoạn về những chuyện đã qua.

Trước năm năm tuổi, những trận đòn tôi chịu vẫn chưa đến mức bị đánh sống dở chết dở.

Khi ấy vẫn sống trong làng.

Những người phụ nữ tám chuyện với nhau luôn nhắc đến tôi, bảo rằng tôi chẳng giống bố nuôi chút nào, chắc mẹ nuôi đã cắm cho ông ta một cặp sừng!

Lời đồn lan đến tai bố nuôi, ánh mắt ông ta nhìn tôi ngày càng lạnh lẽo.

Cuối cùng, một ngày nọ, ông ta ném thẳng tờ giấy xét nghiệm ADN vào mặt Hoàng Nguyệt Kiều, đánh đập bà ta, rồi túm tôi từ góc nhà, đá mạnh vài cái, thậm chí còn muốn giơ tay bóp cổ tôi.

Tôi ngạt thở, không thể chống cự, cái chết chỉ còn cách một bước.

Chị gái đã cứu tôi khỏi tay ông ta, cuối cùng vì đứa con trai hai tuổi khóc thét, ông ta mới dừng tay để đi dỗ con.

Hoàng Nguyệt Kiều cũng đi làm xét nghiệm, và từ đó, người duy nhất bị đánh chỉ còn lại tôi.

Họ từng định vứt bỏ tôi, nhưng tôi đã chạy đến ủy ban làng tìm gặp trưởng thôn.

Khi đến tuổi đi học, họ định không cho tôi đi.

Nhưng không gửi tôi đi học thì trái với quy định giáo dục bắt buộc.

Từ làng đến trường tiểu học trên thị trấn, tôi còn nhỏ, nên phải đi bộ hơn một giờ.

Nhà trường vì lo an toàn cho học sinh, quy định các em không ở thị trấn hoặc không có người đưa đón thì phải ở nội trú.

Họ tiếc tiền nên tôi phải đi về hàng ngày.

Giáo viên ở trường không đành lòng, nói sẽ chi trả phí nội trú cho tôi, nhưng cặp vợ chồng đó không đồng ý.

Dù sao nếu tôi không về nhà thì sẽ bớt đi một lao động.

Hầu hết đồ đạc của tôi đều là nhờ những người tốt bụng dọc đường quyên tặng.

Tôi từng báo cảnh sát, dù gì tôi cũng là đứa từ nhỏ đã ngang bướng.

Nhưng lúc đó tôi còn quá nhỏ, họ lại là người giám hộ, nên cuối cùng sự việc cũng không có kết quả.

Sau lần đó, họ đánh xong sẽ nhốt tôi lại. Khi giáo viên hỏi, họ sẽ nói tôi bị bệnh.

Và ở trường, ngoài những cái tên như “nghèo mạt rệp”, “đồ nhặt rác”, “bao rác bẩn”, tôi còn có thêm biệt danh là “con bệnh”.

Nhưng sức khỏe của tôi thực ra rất tốt, tôi không dám bị ốm, vì cặp vợ chồng đó sẽ không bao giờ đưa tôi đi khám.

Chị gái là người duy nhất đối xử tốt với tôi, lén đưa tôi kẹo, cho tôi tiền để mua đồ.

Chị nói nhất định phải tìm cách trốn thoát, chạy đi thật xa.

Nhưng cuối cùng, chính chị lại bị giam cầm trong căn nhà đó và chọn cách giải thoát bằng cái chết.

Chị tự sát vì trầm cảm, Hoàng Nguyệt Kiều không do dự từ chối cứu chữa vì chi phí phẫu thuật quá đắt.

Họ tổ chức cho chị một đám tang cực kỳ sơ sài, so với việc mất đi đứa con gái, điều họ quan tâm hơn là có thể nhận được bao nhiêu tiền phúng điếu từ đám tang đó.