12
Năm lớp 12 là khoảng thời gian u ám nhất trong cuộc đời tôi.
Bố mẹ tôi qua đời trong một vụ tai nạn xe, đối phương lái xe trong tình trạng say xỉn rồi bỏ trốn, và đến tận bây giờ vẫn chưa tìm ra tung tích.
Tôi đã mắc kẹt trong sự bế tắc rất lâu, đến mức cảnh sát ban đầu phụ trách vụ án cũng ngầm ám chỉ rằng tôi nên từ bỏ.
Họ nói: “Một cô gái nhỏ như mày, lại đang học cuối cấp, hãy dùng số tiền gia đình tích góp mà học cho tốt. Cha mẹ mày trên trời có linh thiêng cũng sẽ vui lòng thôi.”
Nhưng tôi không muốn.
Tôi là con một, bố mẹ yêu thương tôi như sinh mệnh, chưa từng để tôi chịu bất kỳ uất ức nào dù chỉ là một chút.
Hồi nhỏ, tôi rất thích nghe bố mẹ kể chuyện. Họ kể rằng tôi là đứa trẻ họ cầu xin mãi mới có được, vì thế chưa từng để tôi lại gần chùa chiền, sợ rằng sẽ có ngày tôi bị Phật tổ đưa về.
Lớp tôi hồi ấy ai cũng thích ghép tên đặt biệt danh, có lần tôi khóc hỏi họ, sao lại đặt tên tôi là Gia Ngôn?
Các bạn đều nói rằng cái tên này nghe như tên con trai.
Nhưng bố mẹ xoa đầu tôi, kiên nhẫn giải thích:
“Đời người rất dài, bố mẹ không thể mãi mãi ở bên con.”
“Nhưng chúng ta mong rằng, trong cuộc đời mình, con sẽ gặp được những người tốt và chỉ nghe thấy những âm thanh dịu dàng.”
Có người đã giấu yêu thương vào trong một cái tên.
Vì vậy, tôi hoàn toàn không thể chấp nhận rằng một tai họa vô lý đã cướp họ khỏi tôi mãi mãi.
Trong cái thời chưa có nhiều hệ thống giám sát, việc tìm một người thật quá đỗi khó khăn.
Tôi nghĩ, mình chắc là người rất cố chấp.
Vậy nên dù biết rõ có những kẻ giả mạo manh mối để lấy tiền thưởng, nhưng lần nào tôi cũng ôm hy vọng mà đi gặp.
Hai ngày trước kỳ thi đại học, đó là lần đầu tiên tôi thực sự gặp được người đó.
Tôi đã nhìn ảnh ông ta rất nhiều lần, trong đoạn băng ghi hình của cao tốc, trong bức ảnh chứng minh thư trong hệ thống căn cước, nên chỉ cần một ánh mắt là tôi nhận ra ông ta.
Kẻ giả mạo có manh mối chính là ông ta. Ông ta đã trốn chạy rất lâu, vốn có thể đổi tên đổi họ, để vụ việc này mãi mãi bị chôn vùi cùng năm tháng.
Nhưng ông ta thất bại rồi.
Vì sự đeo bám của tôi, vì sự cố chấp của tôi.
Thế nên, ông ta dùng số điện thoại lạ, nói dối rằng mình có manh mối và yêu cầu gặp mặt.
Sự trốn chạy khiến ông ta trở nên cuồng loạn, khi từng bước tiến sát về phía tôi. Nếu không phải là Từ Hạc Tri xuất hiện kịp lúc, tôi có lẽ đã chết vào hôm ấy rồi.
Từ Hạc Tri mặt lạnh lùng dẫn tôi đi báo án, không nói lời nào mà ngồi xổm xuống trước mặt, băng bó vết thương trên đầu gối cho tôi. Cằm anh ấy căng cứng, có vẻ như rất tức giận.
Tôi khẽ kéo nhẹ tay áo anh.
Từ Hạc Tri nhắm mắt lại, như thể bất đắc dĩ, nhưng rồi mở mắt nhìn tôi rất nghiêm túc:
“Có thể đừng tự đẩy mình vào chỗ nguy hiểm không? Đừng làm bản thân bị thương, đừng để tớ… lo lắng.”
Không ai có thể từ chối Từ Hạc Tri.
Mỗi lần gặp mặt, tôi đều chọn những nơi gần khu vực có camera giám sát.
Có thể ông ta đã điên đến mức muốn đồng quy vu tận, có thể ông ta chưa từng nghĩ sẽ sống sót rời khỏi đó.
Nhưng camera đã quay lại dấu vết của ông ta, thật sự không cần tôi tiếp tục cố chấp nữa.
Hôm sau, Từ Hạc Tri tặng tôi một cây bút máy.
Có người chọc ghẹo, có người nhìn tôi bằng ánh mắt ghen tị, nhưng đó thực sự chỉ là một cây bút máy bình thường.
Không có mảnh giấy nào, không có lời tỏ tình nào, cũng chẳng có tình tiết lãng mạn nào cả.
Nhưng Từ Hạc Tri nói:
“Gia Ngôn, cậu có biết không?”
“Ngòi bút máy thực ra cũng sắc lắm đấy.”
13
Về sau trong hai ngày thi đại học, tôi không thể mang theo dao để tự vệ.
Cây bút máy ấy lại luôn nằm trong túi áo, chưa từng rời xa.
Vào buổi trưa sau khi tôi vừa hoàn thành môn khoa học tự nhiên, tôi không ngờ trong thời gian thi cử nghiêm ngặt, ông ta vẫn dám phạm pháp ngay giữa ban ngày.
Cây bút máy đó đã đâm thẳng vào mắt trái của ông ta. Khi tôi bị trói lên xe và thoát ra với mạng sống mong manh, lúc ấy tôi đã bỏ lỡ bài thi đến tròn một giờ.
Người tôi bê bết máu, mưa xối xả làm tôi ướt sũng, tôi cố kiềm chế bàn tay phải đang run rẩy để bình tĩnh ghi lại lời khai trong đồn cảnh sát.
Cả điện thoại và balo của tôi đều mất hết, cảnh sát phụ trách vụ án khuyên tôi mau chóng rời khỏi căn nhà trước đây. Tên đó hành động hung tợn, có khả năng sẽ gây án lần nữa.
Ông ấy lại hỏi, có phải trong nhà chỉ còn lại mình tôi thôi phải không? Khi buộc phải ra ngoài, tốt nhất nên có bạn bè thân thiết đi cùng. Vụ án này rất quan trọng, họ sẽ nhanh chóng truy bắt hung thủ.
Căn phòng thật yên lặng, trong khi ngoài kia, tiếng ve mùa hạ kêu không ngừng. Nhưng vào khoảnh khắc ấy, trong đầu tôi chỉ có một cái tên—Từ Hạc Tri.
Người sẽ bất chấp trời mưa để tìm kiếm tôi khắp trường, người sẵn sàng đứng chắn trước tôi dù đối diện với con dao—đó là Từ Hạc Tri.
Tôi chưa bao giờ cảm thấy sợ hãi như vậy, không phải lúc bị cảnh sát đưa lên xe, cũng không phải lúc biết mình bỏ lỡ kỳ thi đại học.
Nhưng ngay khoảnh khắc ấy, điều duy nhất tôi nghĩ đến là—
Vậy Từ Hạc Tri thì sao? Anh ấy sẽ gặp nguy hiểm ư? Nếu anh ấy vẫn ở bên cạnh tôi, liệu có giống như bố mẹ tôi, rồi cũng rời khỏi cuộc đời tôi hay không?
Ngày hôm đó, từ đồn cảnh sát bước ra, tôi mua vé xe đi đến một thành phố khác.
Đi đâu cũng được.
Không gặp mặt, không giải thích, bởi tôi biết Từ Hạc Tri sẽ không bao giờ để tôi một mình đối mặt với tất cả những điều này.
Vậy nên, để tôi biến mất hoàn toàn khỏi thế giới của anh ấy.
……
Học thần im lặng rất lâu.
Tôi đã nghĩ học thần, trong vai trò của một người đứng ngoài, sẽ cảm thán rằng “đáng tiếc”, hoặc cảm thấy số phận thật trớ trêu và rằng tôi quá tàn nhẫn vô tình.
Nhưng học thần không làm vậy.
Khi tôi đang ngồi bần thần ôm gối trên sàn, một chiếc chăn từ trên cao nhẹ nhàng rơi xuống, bao bọc lấy tôi.
Ai đó, cách qua lớp chăn, nhẹ nhàng ôm tôi vào lòng.
Đầu ngón tay dần ấm lại, qua một lúc lâu, cuối cùng tôi cũng nghe thấy giọng nói của học thần.
Học thần khẽ nói: “Là do cậu ấy không may.”
“Vì vậy, đừng buồn.”
14
Lần thứ hai đến đồn cảnh sát làm thủ tục báo cáo, tôi đã quá quen thuộc với quy trình rồi.
Đêm qua, toàn bộ khu nhà ở đó đều mất điện, camera không ghi được hình ảnh, nên cũng không loại trừ khả năng có ai đó mở nhầm cửa.
Trong lúc chờ nhận lại giấy tờ, có ai đó gọi tôi.
Một người đàn ông trông giống đạo sĩ, bày trò chặn đường tôi, làm ra vẻ huyền bí rồi nói:
“Cô bé, sát khí trên người cô… khá nặng đấy nhé.”
Viên cảnh sát đứng bên cạnh lật mắt, cảnh báo ngay:
“Vương Thanh Lai, đừng có mà giả thần giả quỷ lừa gạt người nữa, cũng phải có chừng mực chứ. Hôm nay bị bắt tới cảnh cáo rồi mà vẫn chưa biết sợ sao? Còn tái phạm là phải tạm giam đấy!”
Vương Thanh Lai hừ một tiếng, lấy tay bịt miệng, bỗng im lặng như gà.
Nhưng rồi ông ấy vẫn tìm cách lân la đến gần và nói với tôi:
“Cô bé này, gần đây trong nhà có hiện tượng lạ nào không?”
“Ví dụ như bỗng nhiên nghe thấy âm thanh lạ? Hay tự nhiên đồ đạc bị mất không rõ nguyên nhân?”
Tôi thuận theo phối hợp, gật đầu.
Ông ấy vuốt râu, ra vẻ đắc ý:
“Không cần lo lắng đâu. Dù gặp phải ma, nhưng con ma này cũng không thuộc loại hung dữ đâu, chắc là sẽ tự biến mất thôi.”
“Nào nào, thử cái bùa hộ mệnh này, trấn trạch giữ bình an.”
Nhưng tôi đẩy tay ông ấy ra, ánh mắt sáng lấp lánh, hỏi ngược lại:
“Vậy có cách nào để khiến ma không biến mất nhanh vậy không?”
Ông ấy chỉ vào mũi tôi, “cô cô cô” mãi, mà không nói nổi một câu hoàn chỉnh.
Lâu sau, ông ấy thở dài, gương mặt hiện vẻ phức tạp.
“Sống chết có số, nếu sau khi chết anh ta bị kẹt lại ở đó, thì tức là sự cố chấp của anh ta vẫn ở nơi đó.”
“Người và ma khác biệt, cô nên sớm từ bỏ thôi.”
15
Tôi và nữ cảnh sát phụ trách trao đổi liên lạc, chị ấy nhìn tôi như muốn nói gì đó nhưng cuối cùng chỉ dặn dò rằng, nếu có gì bất thường phải liên lạc ngay.
Tôi mua thêm chuông cửa có camera mới, lắp thêm vài khóa chống trộm, và vì tôi bận ôn thi nên ít ra ngoài, chắc có thể trụ được đến khi kỳ thi kết thúc.
Khi mở cửa bước vào, trong nhà tối đen như mực. Tôi nhìn căn phòng tối om, bỗng dưng lẩm bẩm một câu:
“Vừng ơi, mở đèn lên.”
Vài giây sau, đèn sáng lên.
Trước mắt tôi là vài tờ đề cương ôn tập, còn đằng xa là ly sữa ấm đã chuẩn bị sẵn, ánh đèn vàng ấm áp xua tan cái lạnh của mưa tuyết, có ai đó luôn chờ tôi về.
Học thần giơ đề thi, nhẹ cười nhạo.
“Ừm… cậu đánh rơi đề thi vàng này, hay là đề thi bạc này nhỉ?”
Tôi cầm chặt lấy tờ đề, vô thức mỉm cười.
Tôi nghiêm túc nói:
“Trẻ con mới chọn.”
“Tôi lấy hết.”