- Ngày 12 tháng 12..
Tôi đã mù rồi, không nhìn thấy gì cả. Nhưng ngược lại, tôi có thể nhìn thấy gương mặt của A Diên bất kỳ lúc nào.
Hôm nay là ngày 12 tháng 12, A Diên chắc hẳn đang chuẩn bị đi mua hàng tạp hóa. Hình như tôi nghe thấy cô ấy đang nhắc đến việc giảm giá băng vệ sinh, mua 300 giảm 40?
Cô ấy thích tính toán khuyến mãi, nhưng luôn không tính đúng.
Tôi muốn nói, có nhiều như vậy thì có dùng hết không?
Đừng để hai thứ đắt tiền ở cùng nhau, không có lợi.
———-
Tôi phải đi rồi, trước khi đi, phải nói lời từ biệt với A Diên.
Cô ấy khóc lóc ầm ĩ.
Chẳng qua chỉ là một người đàn ông, không cần thiết phải như vậy.
“Đến đây, ôm một cái.” – tôi nói.
A Diên nhào vào, mang theo tiếng khóc:
“Em không để anh đi.”
“Nếu khóc thì sẽ không đẹp, A Diên của chúng ta khi cười sẽ đẹp nhất.”
“Vậy em sẽ cười, cười thì anh sẽ không đi đúng không? Nhìn đi, em không khóc… em đang cười đây…”
“A Diên…”
Tôi tiếc nuối chạm vào mặt cô:
“Sinh nhật em anh vẫn chưa tổ chức, giờ có lẽ cũng không kịp… anh muốn chúc em trước, sinh nhật trăm tuổi vui vẻ.”
“Không… không muốn… không cần trăm tuổi… em không muốn trăm tuổi…”
Thực ra, tôi rất muốn nói với cô ấy câu này:
“Xin lỗi, A Diên, anh là cảnh sát.”
Đáng tiếc, cô ấy không nghe thấy, và tôi cũng hy vọng, cô ấy mãi mãi không nghe thấy, hãy ngoan ngoãn, trở thành một người bình thường.
Tôi không sợ chết, tôi chỉ sợ, không biết A Diên không có tôi, cô ấy sẽ sống thế nào.
Tôi ôm cô ấy, cuối cùng vỗ về đầu cô, nói:
“Nghe lời, lấy người khác đi.”
- Ngày 13 tháng 12.
Các đồng nghiệp đến.
Bọn tội phạm đẩy tôi lên, chĩa súng vào tôi. Gió biển mặn mà, tiếng súng vang lên.
Giây phút cuối cùng, tôi như thấy được bầu trời xanh, sạch sẽ như váy A Diên.
Đáng ghét thật! Bọn buôn ma túy nhất định không được có cái chết tốt đẹp!
14
40 năm sau
Tiểu Vi là nhân viên chăm sóc tại một viện dưỡng lão ven biển ở Nam Thành. Sau khi tốt nghiệp, khó khăn lắm cô mới thi vào được đây, và chỉ sau nửa tháng làm việc, cô đã thuộc lòng tất cả các quy định.
Viện trưởng nói rằng, đây là nơi dành cho những người cao tuổi mất con, những người không có con cái, họ sẽ được các cơ quan liên quan đưa đến đây để đảm bảo có thể sống những ngày cuối đời trong an yên.
Trong số đó, cụ bà ở phòng 101 tòa nhà B cần đặc biệt chú ý.
Cụ bà bị trầm cảm, nghe nói chồng bà đã mất khi bà còn trẻ, bà từng có một đứa con, nhưng đã phá bỏ. Bà đã sống một mình hơn 40 năm và không chịu tái hôn. Khi cơ quan liên quan đưa bà đến đây, chỉ có một cái tên là “A Diên”, không có họ.
Tiểu Vi đã từng gặp những người có tên kèm theo một chuỗi mã số, thường thì những người như vậy, xuất thân của họ không nên hỏi nhiều.
Tiểu Vi gõ cửa phòng 101, nhẹ nhàng nói:
“Bà A Diên, bà đã dậy chưa ạ?”
Cánh cửa từ bên trong mở ra, một cụ bà ngồi trên xe lăn lặng lẽ ngồi trước cửa, đôi mắt đen sâu ẩn sau làn da nhăn nheo, dường như đã trải qua nhiều sương gió cuộc đời.
Trong phòng của bà A Diên có rất nhiều cây cối, hoa lá, khi trò chuyện với người khác, bà cũng cười, không hề có vẻ gì là mắc chứng trầm cảm cả.
Tiểu Vi để ý đến chiếc nhẫn trên tay bà, nhìn theo quan điểm hiện tại thì nó cũ kỹ, nhưng ở thời đó, hẳn nó là mẫu thời trang nhất, có giá trị không nhỏ.
Bà A Diên nhường chỗ cho Tiểu Vi vào nhà, cô rất cẩn thận, thậm chí còn không dám nhìn thẳng vào mắt của bà. Vì không lâu trước đó, bà A Diên được chẩn đoán bị u não – khối u nguyên bào thần kinh đệm, giai đoạn 4, rất ác tính, dù có cắt bỏ thì trong thời gian ngắn nó vẫn sẽ tái phát, con người sẽ dần trở nên lẫn lộn, trí nhớ ngày càng kém.
Bà không có con cháu, không ai ký tên thay bà, mấy năm trước khi còn tỉnh táo, bà đã tự tay ký vào giấy từ chối mọi biện pháp cấp cứu và điều trị.
Tiểu Vi nhớ rất rõ biểu cảm của viện trưởng khi kể về chuyện này:
“Bà ấy sống, nhưng thực ra là đang chịu đựng.”
Theo lý mà nói, khi không được điều trị tích cực, chứng trầm cảm sẽ càng trở nên nghiêm trọng, nhưng bà A Diên vẫn sống khỏe mạnh, Tiểu Vi không thể hiểu nổi lý do tại sao.
Cô từng có một người bạn trai quen nhau 5 năm, sau này vì định hướng cuộc sống khác nhau mà đường ai nấy đi.
Tình yêu lâu dài, tự nó đã giống như một huyền thoại cổ xưa, vốn từ lâu đã không còn nữa.
…..
Khi Tiểu Vi dọn dẹp đồ đạc, cô tìm thấy một chiếc điện thoại thông minh cũ, hệ thống đã rất khó để chạy. Trang web 40 năm trước, không còn nhiều trang có thể mở được, chỉ có Zhihu (một trang mạng xã hội) vẫn còn hoạt động đến ngày nay.
Cô biết không nên xem những thứ riêng tư của bà, nhưng vô tình chạm vào màn hình, và cô đã nhìn thấy nội dung.
“Cả tháng này, các cháu đến thăm tôi. Trí nhớ tôi ngày càng tệ hơn, J tiên sinh sống cùng tôi trong viện dưỡng lão, ông ấy ngày nào cũng đẩy tôi đi ngắm biển. Chúng tôi đã ngắm biển suốt 40 năm rồi.”
Bên dưới còn có người bình luận, phần lớn là những người trẻ tuổi.
“Thật là bất hiếu, sao có thể để bà vào viện dưỡng lão chứ?”
“Haiz… Người già mất con thật đáng thương.”
Gần đây nhất là một dòng trạng thái cách đây vài phút.
“Hôm nay tôi ăn mặc thật đẹp, chuẩn bị đi gặp J tiên sinh.”
Tiểu Vi có một cảm giác lạ lùng, nhưng không thể diễn tả rõ ràng. Khi cô quay lại, thấy căn phòng đã trống rỗng.
Mồ hôi lạnh bỗng toát ra!
Quy tắc đầu tiên của viện dưỡng lão: “Tuyệt đối không để người được chăm sóc rời khỏi tầm mắt.”
Tiểu Vi loạng choạng chạy ra khỏi phòng, hoảng hốt gọi điện cho đồng nghiệp, sự việc đã khiến viện trưởng phải vào cuộc.
Khi xem lại camera an ninh, họ phát hiện bà A Diên đã tự mình lái xe lăn, đi dọc theo con đường sỏi phía sau viện, hướng ra bờ biển rộng lớn sau viện dưỡng lão, nơi đó có một vách đá dốc đứng.
Mọi người đổ xô ra ngoài.
Lúc này đã nửa giờ trôi qua kể từ khi bà A Diên rời đi. Viện trưởng đã nghĩ đến việc viết đơn từ chức, nhưng may mắn thay… bà A Diên không có người thân, sẽ không yêu cầu bồi thường.
Cuối tháng 6, cái ấm áp của mùa hè vẫn chưa hoàn toàn bao trùm bờ biển. Gió lạnh thổi từ biển vào, nắng gay gắt, thời tiết thật đẹp.
Tiểu Vi chạy trước tiên, trên vách đá trơ trụi, một chiếc xe lăn nhỏ dừng lại bên mép vách đá, hướng mặt ra biển.
Bà A Diên ngồi lặng lẽ trên xe lăn, đôi khuyên tai ngọc trai cũ kỹ lấp lánh dưới ánh mặt trời.
Bà mặc đồ rất sặc sỡ, có chút giống với phong cách thời trang những năm 2020, cánh tay gầy guộc thò ra từ ống tay áo, đặt nghiêm trang trước ngực.
Tiểu Vi thở phào nhẹ nhõm, chạy tới:
“Bà A Diên! Sau này đi đâu nhớ bảo cháu nhé!”
Khi cô lại gần, phát hiện bà A Diên vẫn nhìn về phía trước, không thèm để ý đến cô.
Trước đây dù phản ứng chậm do bệnh, nhưng khi nghe tên mình, bà vẫn sẽ đáp lại.
Tiểu Vi từ từ dừng bước, ngay lúc đó, không hiểu sao, nhìn ra đường chân trời vô tận, cô muốn bật khóc.
Cô chậm rãi đặt tay lên vai bà, cơ thể bà đã lạnh đi.
Tiểu Vi đã chứng kiến nhiều người già qua đời, nhưng đây là lần đầu cô thấy một người mất đi như vậy.
Bà A Diên, vào một buổi sáng đẹp trời, đối mặt với biển, đã lặng lẽ ra đi.
Năm đó, bà 64 tuổi, chết vì ung thư.
Viện trưởng và những người khác đi theo sau, cảm nhận được điều gì đó, từ từ dừng lại.
Phía sau họ, trên tòa nhà viện dưỡng lão bốn tầng màu nâu đất, còn treo một tấm băng rôn vừa được dán hôm qua:
“Ngày Quốc tế phòng chống ma túy 26/6. Hãy yêu thương cuộc sống, tránh xa ma túy, xin bày tỏ lòng kính trọng tới những chiến sĩ cảnh sát đang chiến đấu ở tuyến đầu phòng chống ma túy.”
Viện trưởng đột nhiên nhớ lại ngày bà A Diên mới đến, bà đã hỏi ông – người chỉ mới làm việc ba năm:
“Hôm nay là Ngày Quốc tế phòng chống ma túy, có thể treo một tấm băng rôn lên không?”
15
Hậu ký của A Diên
Vài tháng sau khi Giang Thâm qua đời, tôi bị Trình Văn kéo xuống từ tầng thượng. Cô ấy hét lớn:
“Cô điên rồi! Cô chết rồi, tôi biết nói thế nào với Giang Thâm đây!”
Tôi ngồi bệt trên sàn, nói:
“Trước khi chết, anh ấy đã đến gặp tôi.”
Trình Văn nói:
“Ngày nghĩ gì, đêm mơ đó. Người ta không còn nữa rồi, nhìn về phía trước mà sống tiếp đi, sống tốt…”
Dường như tôi không nghe thấy, vẫn tiếp tục:
“Anh ấy đứng trên boong tàu, tay trái bị thương…”
Một câu nói khiến Trình Văn bật khóc.
Tôi biết mình nói đúng.
Khi tôi gặp lại Giang Thâm, anh chỉ là một hộp tro cốt. Có lẽ ngay cả một thi thể nguyên vẹn của anh cũng không còn. Vì vậy, ngày đó, Giang Thâm thực sự đã đến để từ biệt tôi.
Tâm trạng tôi rất bình thản, nói với Trình Văn:
“Trình Văn, cô có tin rằng trên đời này có linh hồn không?”
Trình Văn nghẹn ngào:
“Tôi hy vọng là có.”
Bởi vì chồng cô ấy, cũng đã mất trong năm đó.
Cô ấy nói: “Tôi có sứ mệnh, nên tôi không thể chết, A Diên, cô cũng phải tìm ra sứ mệnh của mình.”
Phải rồi, tôi phải tìm ra sứ mệnh của mình, một việc có ý nghĩa hơn cả cái chết.
……
Từ lúc đó, tôi bỏ đi ý nghĩ muốn chết và tham gia vào một tổ chức tuyên truyền, tôi làm công việc đó suốt 30 năm, Giang Thâm chắc chắn vẫn đang dõi theo tôi, tôi không thể để công sức của anh ấy trở nên vô ích.
Bố mẹ tôi liên tục thúc giục tôi kết hôn, vài lần còn cố gắng cướp lấy chiếc nhẫn trên tay tôi.
Trong một lần tranh cãi, đầu tôi bị va vào, chảy máu không ngừng. Bố tôi tức giận hét lớn:
“Người chết rồi, người sống vẫn phải tiếp tục! Con xem con bây giờ trở thành thế nào rồi?”
Tôi trở thành thế nào ư?
Tôi vẫn khỏe mạnh, tính tình hòa nhã, là một công dân tốt tuân thủ pháp luật. Chỉ là không muốn yêu thêm một người nữa, có gì sai không?
Tôi không muốn họ hiểu tôi, và họ cũng không muốn hiểu tôi.
Thế là, bố mẹ tôi tiếp tục thúc giục suốt hàng chục năm, cho đến khi già đi, không thể thúc giục được nữa. Rồi sau đó, họ qua đời, thế giới chỉ còn lại mình tôi, yên tĩnh đến lạ.
Tôi vẫn tiếp tục viết trong bài đăng trên mạng, nhưng số người đọc ngày càng ít đi. Người trẻ đều thích những tình yêu nồng nhiệt và ngắn ngủi, giống như chúng tôi ngày trước.
Trong bài đăng là cuộc sống hạnh phúc của tôi và Giang Thâm suốt phần đời còn lại.
Con cháu quây quần bên mình, đất nước thanh bình.
Đôi lúc, tôi ngồi nhìn chiếc nhẫn, nhớ về mùa đông năm ấy, Giang Thâm đứng tại lễ cưới, nói với tôi những lời đó.
Kiếp trước, tôi đợi anh ở điểm cuối, kiếp này, Giang Thâm đeo nhẫn vào ngón áp út của tôi.
Sao lại không được coi là kết hôn chứ?
……
Tôi sống thêm hơn 30 năm nữa, một buổi sáng nọ, khi xuống nhà mua thức ăn, tôi trượt ngã từ cầu thang và gãy chân. Sau khi phẫu thuật, tôi cũng không thể đi lại được nữa, rồi họ đưa tôi vào viện dưỡng lão, một nơi ở gần biển.
Mọi người thường nói, vào viện dưỡng lão thật đáng thương, cô đơn không ai quan tâm, nhưng tôi lại không nghĩ vậy.
Đây là nơi tôi ở gần Giang Thâm nhất.
Kể từ khi bị ung thư não, trí nhớ của tôi ngày càng kém, nhưng gương mặt của Giang Thâm lại càng rõ nét. Anh thường ngồi bên cạnh tôi, nói chuyện:
“A Diên, hoa không phải trồng thế này đâu, người ta bảo kẻ lười trồng hoa, em sẽ tưới chết chúng mất.”
Tôi đáp trả anh:
“Người ngắm hoa đừng có mà nói!”
Hoặc khi tôi ăn cơm, anh lại bắt đầu lải nhải:
“Em ăn chút thịt đi, đừng kén ăn nữa, sức khỏe vốn đã không tốt rồi.”
Đôi khi bị anh càm ràm, tôi cũng cãi lại.
Thỉnh thoảng khi tỉnh táo, tôi lại nhận ra, tất cả chỉ là những ký ức về cuộc sống trước đây của tôi và anh.
Năm nay, tôi 64 tuổi.
Từ năm tôi 24 tuổi, sau khi Giang Thâm qua đời, tôi đã cố gắng sống thêm 40 năm nữa, ;àm nhiều việc có ý nghĩa.
Sáng nay, đầu óc tôi tỉnh táo hiếm hoi. Gió biển thổi vào cửa sổ, tôi chợt nhớ anh, Tiểu Vi đang quay lưng lại với tôi, thu dọn đồ đạc.
Tôi chợt lóe lên ý muốn đi ngắm biển.
Băng qua con đường sỏi nhỏ, tôi tự đẩy xe lăn, đổ mồ hôi. Đến đỉnh đồi, ánh nắng ấm áp tỏa khắp, biển xanh rộng lớn vô tận.
Tôi khẽ mở miệng, gọi cái tên mà suốt 40 năm qua tôi chưa từng gọi:
“Giang Thâm.”
Anh xuất hiện, vẫn là dáng vẻ của thời trẻ, mái tóc đen lòa xòa, đôi mắt dịu dàng, nụ cười rạng rỡ trong mắt chỉ có tôi.
“A Diên, lại đây, ôm một cái.”
Anh nắm lấy bàn tay gầy guộc của tôi, quỳ xuống trước xe lăn, dang tay ra.
Tôi mỉm cười:
“Hôm nay em đẹp không?”
“Đẹp lắm.”
Cơ thể tôi bỗng trở nên nhẹ bẫng, tôi từ từ đứng dậy khỏi xe lăn, cánh tay thon trắng của tôi khoác lấy cánh tay của Giang Thâm, chiếc nhẫn trên ngón áp út vẫn sáng bóng như lúc mới. Tôi nâng váy cưới lên, cười khúc khích:
“Em đi giày cao gót rồi đấy, phải đỡ em cẩn thận đấy nhé.”
“Được.”
Giang Thâm nhìn tôi, ánh mắt đầy dịu dàng.
Xa xa, những chú hải âu bay lượn, Giang Thâm nắm chặt tay tôi, chúng tôi như đôi vợ chồng sắp bước vào lễ đường, tiến về phía ánh mặt trời.
“A Diên, chúng ta về nhà thôi.”
End