7
Khi ăn cơm, dì Giang gắp cho Tạ Cảnh một con cua, nhưng lại nhìn tôi đầy yêu thương:
“Mau bóc đi, để bé Tống Thì ăn.”
Dì Giang xoa mặt tôi, trong mắt đầy xúc động:
“Giống quá, con thật sự giống mẹ con. Con không biết mẹ con và dì ngày xưa chơi thân với nhau thế nào đâu. Ông bà ngoại con mất sớm, mẹ con chỉ có dì là người thân.
Thế mà mẹ con chẳng bao giờ khiến người khác bớt lo, nhất quyết lấy bố con, cái gã đàn ông vô dụng đó. Dì chỉ cần nhìn ông ta là biết ông không phải người tốt.
Dì khuyên mẹ con chia tay bao nhiêu lần rồi, nhưng đến cuối cùng mẹ con lại mời dì đi ăn cưới!
Đi ăn cưới cái gì chứ, dì sợ mình phá hỏng đám cưới nữa là? Nói chuyện với mẹ con thì chín câu mắng bố con đến mười.
Vậy nên dì giận dỗi bỏ đi nước ngoài, từ đó không còn liên lạc nữa. Dì trách bà ấy vô tâm, bao năm nay không chịu hạ mình, cuối cùng thì người mất đi rồi, còn cúi đầu thế nào được.
Đều là lỗi của dì, dì không tìm hiểu kỹ để con phải chịu khổ bao nhiêu năm. Đừng sợ, sau này đây là nhà của con.”
Tạ Cảnh đưa phần thịt cua đã bóc vào bát của tôi, tôi nâng bát lên, đây là phần cua mà chính tay Tạ Cảnh bóc cho, tôi thật sự đã “được vinh dự” rồi.
Khóe miệng Tạ Cảnh thoáng một nụ cười khó nhận ra, anh chống cằm nhìn tôi:
“Muốn ăn nữa không? Anh bóc tiếp cho.”
Dì Giang múc cho tôi một bát canh:
“Ngoan nào, mẹ con với dì ngày xưa đã hứa với nhau rằng nếu sau này sinh một trai một gái thì sẽ làm thông gia, con còn nhớ không?”
“Khục…khục…” Miếng thịt cua trong miệng tôi mắc nghẹn vì câu nói của dì Giang. Tạ Cảnh vô thức đưa tay ra trước miệng tôi:
“Nghẹn à?”
Tôi lắc đầu, đẩy tay anh ra. Tạ Cảnh bật cười, vỗ nhẹ lên lưng tôi:
“Coi thường anh à? Anh Tạ của em đây không dễ phục vụ ai đâu.”
Chưa nói hết câu, dì Giang đã vỗ vào đầu anh một cái:
“Con nói ai là ‘anh Tạ’ hả? Cứ làm ra vẻ lắm! Để lại ấn tượng tốt cho bé Tống Thì có được không? Con vốn không xứng với người ta, không cố gắng giữ ấn tượng tốt thì ngay cả mẹ cũng không giúp nổi con.”
Nói rồi, dì Giang lại dỗ dành tôi như dỗ trẻ con:
“Ngoan nào, tất cả là lỗi của dì, dọa con sợ rồi phải không? Cũng đúng thôi, lúc đó còn chưa có cái gã bố kia, làm sao con có thể nhớ được chuyện này!
Đừng lo, con với Tạ Cảnh là hứa hôn từ nhỏ, cho dì một cơ hội để làm mẹ con nhé.”
Tôi uống chén canh nóng mà dì Giang đưa, mắt hơi cay, không biết là do bị sặc hay vì lý do gì.
Trước đây ở nhà, tôi còn chẳng có cơ hội được ngồi vào bàn ăn, thịt thì chỉ có vào dịp Tết mới được ăn một lần.
Theo lời mẹ kế, tôi chỉ là đứa ăn bám, có đồ ăn cho tôi đã là tốt lắm rồi. Làm gì có ai vì tôi bị sặc mà làm to chuyện như vậy? Tôi chưa từng dám mơ tới.
Mẹ ơi, bạn thân của mẹ thật là tốt, nơi này mới là thiên đường.
8
Tôi đã sống ở nhà họ Tạ gần nửa tháng, cuộc sống ở đây khiến tôi mỗi ngày đều cảm giác như đang mơ.
Dì Giang đã giúp tôi nghỉ việc ở quán trà sữa, vừa cài kẹp tóc cho tôi, dì vừa nói:
“Làm gì mà phải đi làm? Ở tuổi này, con nên được gia đình yêu chiều.”
“Nhưng con nên làm nốt tháng cuối cho chủ quán.”
Dì Giang đặt hai tay lên vai tôi:
“Yên tâm, dì không để chủ quán thiệt đâu, dì đã bồi thường từ trước rồi. Con chỉ cần ngoan ngoãn ở nhà dì làm một cô công chúa nhỏ xinh đẹp thôi.”
Ngày chú Tạ về nhà, tôi đứng ở cổng, ngoan ngoãn chào hỏi.
Tôi thấy lo lắng, nhưng chú ấy lại cười rất tươi, rồi đưa cho tôi một phong bao đỏ rất lớn:
“Đây là bé Tống Thì phải không, xinh đẹp quá. Ước mơ lớn nhất đời chú là có một cô con gái mềm mại, bây giờ thì thành hiện thực rồi.”
Tôi ngạc nhiên nhận lấy phong bao, nó dày quá, đây là lần đầu tiên tôi nhận được lì xì. Trước đây, khi Tết đến, chỉ có họ hàng bên mẹ kế đến chơi. Họ lì xì cho Trình Nguyệt và Trình Đào, chưa bao giờ lì xì cho tôi.
Tôi cẩn thận nhìn đi nhìn lại phong bao:
“Cảm ơn chú.”
Chú Tạ xoa đầu tôi:
“Không cần cảm ơn, Tống Thì ngoan lắm.”
Tạ Cảnh cũng khác hẳn với những lời đồn. Nói đúng hơn là không giống chút nào.
Người ta đồn rằng Tạ Cảnh tính khí rất tệ, chẳng bao giờ có kiên nhẫn với ai.
Nhưng với tôi, anh ấy lại là người sẵn sàng dỗ dành để tôi ăn thêm vài miếng cơm, kiên nhẫn nói mãi.
Anh ấy còn rất tinh tế, mỗi lần tôi quên sấy tóc, anh sẽ lười biếng dựa vào cửa phòng, đưa máy sấy cho tôi, rồi trách móc:
“Sao lại không sấy tóc nữa rồi?”
Tôi chỉ đáp:
“Em quên, không thích sấy tóc.”
Tạ Cảnh giọng điệu lười nhác, ánh đèn chiếu lên gương mặt nghiêng của anh, đẹp đến không thực:
“Cô nhóc rắc rối quá, sấy tóc đi, anh nhìn em sấy.”
Lần nào cũng vậy, chưa từng tỏ ra mất kiên nhẫn.
Người ta đồn rằng Tạ Cảnh ở trường A là kẻ khó dạy, muốn anh cúi đầu, khó như lên trời.
Tôi luôn biết Tạ Cảnh hút thuốc, vì anh thường vô thức rút bật lửa ra.
Nhưng từ khi tôi xuất hiện, Tạ Cảnh không còn hút thuốc nữa, thay vào đó là ngậm kẹo mút. Chỉ có điều, cách anh cầm kẹo mút chẳng khác gì cách cầm điếu thuốc.
Một hôm, tôi nhìn anh ngậm kẹo mút, bật cười hỏi:
“Tạ Cảnh.”
Anh lười biếng đáp: “Gì?”
“Có phải anh đang thèm thuốc không?”
Tạ Cảnh cười khẩy:
“Sao, em định quản anh à?”
Một câu nói đùa nhưng lại khiến lòng tôi rạo rực, tôi căng thẳng nắm chặt áo mình.
Trời nắng khá to, Tạ Cảnh tự nhiên kéo vành mũ của tôi xuống.
“Tạ Cảnh, anh khác xa với những gì em nghe nói.”
Tạ Cảnh mỉm cười:
“Đừng có nghe những lời đồn vớ vẩn bên ngoài, toàn là bịa đặt.”
Tôi ngẩng đầu nhìn anh:
“Tạ Cảnh, có phải chúng ta đã gặp nhau trước đây không?”
Nếu không, sao anh lại tốt với tôi như vậy?
Đôi mắt Tạ Cảnh tối lại đôi chút, nở nụ cười nhẹ, cúi người về phía tôi. Tưởng là anh sẽ trả lời nên tôi khẽ nhích người lên, lắng nghe.
Chợt anh búng trán tôi một cái thật mạnh, tiếng cười vang lên trên đầu tôi:
“Tự mà nghĩ kỹ lại đi.”
9
Chỉ trong nửa tháng, tôi đã thay đổi rất nhiều.
Niềm vui mỗi ngày của dì Giang là trang điểm, chăm chút cho tôi; bữa ăn nào cũng có thịt ăn khiến khuôn mặt gầy gò của tôi tròn trịa hơn.
Tôi không còn ra ngoài nhặt ve chai nữa, nên làn da cũng trở nên trắng trẻo hơn.
Nhìn mình trong gương, mẹ ơi, con thật sự xinh đẹp quá.
Ở đây, dường như ai cũng đối xử tốt với tôi một cách vô điều kiện.
Khoảng thời gian không được yêu thương trước đây, tôi không biết cảm giác được yêu là như thế nào, cũng như chưa có ai dạy tôi cách để chấp nhận những tình yêu chân thành và nồng nhiệt này.
Vì vậy, tôi luôn lo lắng và bất an, không biết rằng những đứa trẻ bằng tôi đều có thể có được những điều này.
Một đứa trẻ khó khăn lắm mới có được kẹo ngọt, nó sẽ luôn nghĩ đến việc nếu mất đi thì phải làm sao.
Trời ơi, có lẽ tôi thật sự có thể được đón nhận, đúng không?
Dì Giang đã đăng ký cho tôi vào trường A, và tôi đã vượt qua kỳ thi.
Ngày khai giảng, Tạ Cảnh lái xe máy đứng trước cổng đợi tôi.
Thấy tôi vừa bước ra, anh nhếch cằm ra hiệu tôi lên xe:
“Hôm nay là ngày đầu nhập học, đừng lo lắng. Anh học lớp 11, có ai bắt nạt em thì đến tìm anh.”
Tạ Cảnh đội mũ bảo hiểm, giọng nói trầm trầm:
“Nghe rõ chưa?”
“Nghe rồi.”
Tôi nắm chặt quai ba lô nhưng vẫn không lên xe.
Tạ Cảnh lúc này giống như con công đang xòe đuôi, khuôn mặt đầy phấn khích:
“Sững người làm gì? Lên đi. Đừng sợ, anh lái chậm mà.”
Tôi nhìn chiếc xe máy đỏ nổi bật, cười gượng:
“Ngầu thật đấy.”
Tạ Cảnh nhướn mày:
“Nói thật đi.”
Tôi nhỏ giọng nói khẽ:
“Em không muốn ngồi, trông lố quá.”
Tạ Cảnh bật cười:
“Tống Thì, em nhiều chuyện quá rồi đấy.”
Dù nói thế, nhưng anh lại bước xuống xe, ném chìa khóa cho quản gia đứng gần đó, rồi cúi xuống cầm ba lô của tôi vắt lên vai anh một cách tự nhiên.
10
Ngày đầu tiên nhập học, ảnh của tôi lan truyền khắp diễn đàn của trường.
Lý do chỉ có một, đó là Tạ Cảnh mặc đồng phục khi đến trường.
Lúc đó, tôi mới biết rằng Tạ Cảnh trước giờ chưa từng mặc đồng phục đi học.
Khi giáo viên hỏi tại sao, anh ngang ngược trả lời:
“Vì em không thích, mặc nó trông ngu ngốc lắm.”
Anh là học sinh đứng đầu khối, thành tích tốt, gia thế khủng, đến nỗi giáo viên vừa yêu vừa sợ, chẳng ai dám quản anh.
Nhưng hôm nay, “đại ca” Tạ Cảnh lại mặc đồng phục, nghiêm chỉnh mà mặc, khiến bộ đồng phục bình thường cũng toát lên vẻ ngạo nghễ.
Tại sao tôi lại nổi tiếng?
Bởi vì cái người mà chẳng ai dám đụng vào như Tạ Cảnh lại đeo hai cái ba lô, một trong số đó còn là màu hồng, và tôi thì không hề đeo ba lô.
Khi bức ảnh được chụp, tôi đang chăm chú ăn sáng, còn Tạ Cảnh thì lo tôi không nhìn đường nên đưa tay ôm nhẹ gáy tôi, khuôn mặt vốn luôn lạnh lùng của anh lại dịu dàng đến lạ.
Vậy là tôi nổi tiếng, tất cả các cô gái trong trường đều tò mò về thân phận của tôi.
Và tất nhiên, rắc rối cũng tìm đến.
Giờ ra chơi, khi tôi đi lấy nước, một cô gái chặn đường tôi, gương mặt và thái độ quen thuộc.
Chính là cô gái xinh đẹp đã đá văng túi chai nhựa của tôi hôm nọ, đi cùng với Trình Nguyệt.
Cô ta đứng ở bậc thang, ngạo mạn nhìn tôi:
“Tao đã cảnh cáo mày rồi mà, tránh xa Tạ Cảnh ra, mày bỏ ngoài tai à?”
Tôi khẽ nhíu mày:
“Nhưng tôi đâu có biết cô cũng học trường này.”
“Mày…! Cho dù tao không học trường này, mày cũng không được lại gần Tạ Cảnh!”
Nói xong, cô gái có vẻ vẫn chưa hả giận, liền đánh đổ cốc nước tôi đang cầm xuống đất.
“Cạch.” Tiếng ly giữ nhiệt rơi xuống, nước bên trong đổ hết ra ngoài.
Tôi ngẩn người, có chút buồn, đây là ly mà dì Giang tặng tôi.
Tôi nhìn vào ánh mắt đắc ý của cô gái, rồi lại nhìn cái ly đang nằm trên mặt đất.
Thứ nhất, tôi không chọc giận cô ấy. Thứ hai, tôi không gây sự với cô ấy.
Dì Giang từng nói, nếu bị người khác bắt nạt, nhất định phải đáp trả.
Thế là tôi nhìn vào mặt cô ta, nhắc nhở:
“Tôi sẽ đánh cô đấy.”
Cô gái lắc đầu, càng đắc ý:
“Tao không tin.”
Tôi nhẹ nhàng giơ tay chạm vào má cô ta. Cô gái đứng sững lại, cả hai chúng tôi đều không tin vào những gì vừa xảy ra.
Tôi lại thử giơ tay vỗ nhẹ vào má cô ta thêm một lần nữa.
Cô gái cuối cùng cũng có phản ứng, cô ta chỉ thẳng vào tôi:
” Mày tiêu đời rồi, mày dám đánh tao, mày có biết tao là ai không? Chẳng ai dám đánh tao cả! Mày chỉ là đứa nhặt ve chai mà dám đánh tao! Tao sẽ gọi phụ huynh!”
“Tôi không dùng sức mà, tôi không hề dùng sức.”
Cô ta không thèm nghe tôi nói, ôm mặt rồi chạy đi.
Cô ấy mách giáo viên, đúng là chơi không đẹp, đã học cấp ba rồi mà còn mách giáo viên, và tôi bị gọi phụ huynh.
Nghe nói thân thế cô gái này không đơn giản. Trước khi dì Giang đến, tim tôi đã rơi xuống đáy vực.
Xong rồi, mới ngày đầu nhập học tôi đã gây rắc rối, liệu dì Giang có bỏ rơi tôi không? Liệu dì có nghĩ rằng tôi quá phiền phức và sẽ đưa tôi trả về không?
Nếu là bố tôi, có lẽ ông sẽ bắt tôi quỳ xuống xin lỗi người ta.
Trong lúc tôi đang suy nghĩ lung tung, một giọng nói đầy giận dữ vang lên, người chưa thấy nhưng giọng đã tới trước:
“Ai dám bắt nạt Tống Thì nhà tôi hả? Ai? Tôi sẽ cho chúng nó biết tay!”
Là dì Giang!
Tôi sững người đứng tại chỗ nhìn dì Giang giống như bước ra từ ánh sáng, bà kiểm tra tôi từ trên xuống dưới:
“Ngoan nào đừng sợ, dì đến rồi, dì sẽ bảo vệ con.”
Thì ra, người thật sự yêu thương tôi sẽ không bao giờ thấy tôi phiền phức.
Bố mẹ của cô gái đó là giám đốc một công ty, vừa rồi còn rất kiêu ngạo, giờ họ đứng dậy, lo sợ đến phát run:
“Thưa, thưa phu nhân Tạ, chỉ là chuyện nhỏ thôi, chuyện nhỏ, chỉ là đám trẻ con đùa giỡn với nhau thôi ạ.”
Họ cùng cô gái cúi đầu xin lỗi, không còn cách nào khác, họ không ngờ người đến lại là phu nhân của nhà họ Tạ.
Dì Giang nhìn họ với ánh mắt lạnh lẽo:
“Chuyện nhỏ? Tôi không nghĩ đây là chuyện nhỏ đâu! Vụ này bên phía nhà trường phải cho tôi một lời giải thích, nếu không thì mấy tòa nhà mà tôi quyên góp coi như bỏ phí rồi.”
Ban giám hiệu lau mồ hôi lạnh, vội vàng gật đầu:
“Chúng tôi nhất định sẽ đưa ra một lời giải thích thỏa đáng cho phía phụ huynh.”
Vì vậy, ngày hôm sau, cô gái kia đã chuyển trường, và trường A lan truyền thêm một tin đồn mới:
Tống Thì, giống như Tạ Cảnh, là người không thể chọc vào.