Không biết tại sao.

Ta cảm thấy mình giống như đã trở thành một người xấu xa và dư thừa trong tình cảnh này.

Thức ăn trong bếp lại nguội lạnh, ta không còn tâm trạng, cũng chẳng có khẩu vị để hâm nóng lại.

Ta tự nấu cho mình một bát mì.

Có lẽ ta đã khóc đến mơ hồ nên mới cho quá nhiều muối.

Một bát mì mặn đến đắng chát khiến ta cảm thấy cuộc sống này thật khó khăn.

3

“Phải sống thật tốt nhé! A Kiều tỷ tỷ!”

Lúc ta xuống thuyền, Xuân Sinh chắp tay lại che lên miệng làm loa rồi hét lớn về phía ta.

Ta đứng ở bến đò, vẫy tay đáp lại.

Ta định đếm xem còn bao nhiêu tiền để có thể dừng chân thì mới phát hiện ra hai mảnh bạc lẻ mà ta đưa cho Xuân Sinh, không biết từ khi nào lại được hắn đặt dưới đáy giỏ tre.

Thuyền đã đi rồi, ta không đuổi kịp.

Thôi, đành sau này trả lại cho hắn vậy.

Ta ở quán trọ Thanh Châu tìm việc suốt ba ngày, hoặc là không cần người, hoặc là tiền công bị ép xuống rất thấp.

Có một nhà thì gật đầu.

Chưởng quầy nói cần thử việc, bảo ta nấu món ăn trong ba ngày.

Không biết là nhà nào mà ăn khỏe thế, chỉ riêng cơm nấu cũng đủ cho nhà Mạnh gia ăn nửa năm.

Ta không dám lơ là, bận rộn đến nỗi chân không chạm đất.

Mỗi lần chưởng quầy có khuôn mặt đầy râu mép đến kiểm tra đều mỉm cười gật đầu ra chiều hài lòng.

Ta cứ tưởng là đã qua được rồi.

Ai ngờ đến ngày thứ ba, chưởng quầy trở mặt, đuổi ta cùng hành lý ra ngoài cửa:

“Tay nghề của phu nhân không đạt, khách ăn xong bị đau bụng, lại còn bắt chúng ta bồi thường một đống bạc nữa!”

Dù có ngốc đến đâu, ta cũng biết mình bị lừa.

Ta không khóc, chỉ lau mắt, nhặt hành lý lên và phủi sạch bụi trên đó.

Đến ngày thứ năm, tiền trên người cạn kiệt, ta đứng trước cửa hiệu cầm đồ, định cầm cây trâm bạc.

Nhưng có một thiếu niên trông như một thư sinh gọi ta lại:

“Phu nhân khoan đi.”

Ta không quen biết hắn.

“Mấy ngày trước, có phải phu nhân đã nấu cơm cho thư viện của chúng ta không?”

“Không, mấy ngày trước ta nấu cơm cho khách Vân Lâu, chưa từng nấu cho thư viện nào cả.”

“Vậy thì đúng rồi, thư viện của chúng ta đã đặt món từ Vân Lâu đây.”

Ta nhớ lại lời chưởng quầy nói rằng, khách ăn xong bị đau bụng nên liền lo lắng hỏi:

“Các người bị đau bụng sao?”

“Không ai bị đau bụng cả.” Thư sinh ấy cười đáp, “Mà là cảm thấy đồ ăn của phu nhân nấu rất ngon, sau đó còn đặt thêm hai ngày nữa, nhưng từ đó Vân Lâu không bao giờ có món ngon như thế nữa. Tìm hiểu mới biết, chưởng quầy nhà họ không có tâm.”

Vậy nên?

“Thư viện của chúng ta đang thiếu một người quản lý, tuy có chút vất vả, ngoài việc nấu ăn còn phải giặt giũ, nhưng ăn ở đều được bao, không biết phu nhân có đồng ý không.”

Đây là Quan Hạc Thư Viện, nơi có tiếng tăm ở Thanh Châu, được xây dựng bên núi cạnh sông.

Ta không đọc rõ những chữ rồng bay phượng múa trên tấm biển, cũng không hiểu được ý nghĩa sâu xa của nó.

Chỉ cảm thấy mảnh đất hoang sau trường học này nếu khai khẩn thành hai mảnh vườn trồng rau thì không tệ, còn có thể nuôi thêm mấy con gà.

Các tiên sinh thích trúc, vì vậy thư viện có rất nhiều rừng trúc.

Ta nghĩ cũng tốt, măng trúc non hầm với thịt muối, còn trúc già thì chẻ ra làm giàn cho đậu leo.

Ta thích trồng đậu, trồng bầu bí, nhưng Mạnh Hạc Thư không thích.

Chàng nói trong sân phải trồng mai, mùa đông thưởng mai là thanh nhã nhất.

Ta đã vui mừng mà chuyển cả một vườn mai đỏ cho chàng.

Rất lâu sau đó ta mới biết, Ngọc Chi cô nương cũng thích hoa mai.

Thấy ta im lặng, thư sinh ấy cẩn thận hỏi:

“Phu nhân có điều gì lo lắng chăng? Hay là vì số tiền lương tháng…”

“Ở đây ta có thể trồng rau không?”

“Tất nhiên là được!”

Ta gật đầu.

“Vậy thì được.”

04

Gần thư viện có mấy hộ gia đình sinh sống.

Hôm đó, thư sinh đến tìm ta tên là Hứa Thường.

Hứa Thường dặn dò ta:

“Người ở thư viện đều hòa khí, mấy hộ gia đình ở gần cũng dễ nói chuyện, chỉ có điều đừng dính dáng đến con chó ghẻ.”

Con chó ghẻ?

Hứa Thường căm tức nói:

“Chính là A Hổ, một đứa trẻ có mẹ sinh mà không có mẹ nuôi.”

Ta đã nghe người khác kể qua.

A Hổ là đứa trẻ mười tuổi, cha nó tái hôn, mẹ nó cải giá, bỏ lại nó một mình, không ai cần đến.

Không đứa trẻ nào muốn chơi với A Hổ, ai cũng bảo nó toàn nói dối, tay chân lại không sạch sẽ hay trộm gà bắt chó.

Hơn nữa, nó còn khỏe mạnh, thích gây sự đánh nhau.

Ai chọc giận nó, nó sẽ nửa đêm đẩy ngã giàn bầu của nhà người ta, mở chuồng gà mời khách là mấy con chồn về.

Trẻ con ghét nó đã đành.

Đáng lý ra, Hứa Thường hai mươi tuổi không nên có hiềm khích với A Hổ mười tuổi.

Bởi vì hai năm trước, A Hổ đặt bẫy bắt thỏ rừng, không may làm Hứa Thường ngã gãy chân, lỡ mất kỳ thi.

Đúng ngay kỳ thi mà Hứa Thường giỏi nhất về sử luận.

Từ đó, Hứa Thường căm ghét nó.

Hứa Thường định đánh nó, A Hổ liền nằm lăn ra đất, ra dáng một tên lưu manh nhỏ:

“Đánh người rồi, đánh người rồi! Người lớn đánh trẻ con rồi! Tiên sinh đánh người tốt rồi!”

Hứa Thường nuốt không trôi cục tức này, liền mua kẹo cho lũ trẻ xung quanh.

Để chúng đánh cho A Hổ một trận.

A Hổ bị đánh hội đồng như con chó ghẻ lăn lộn trong bùn:

“Hì hì, không đau, chẳng đau tí nào.”

Không biết xấu hổ là gì, ở thư viện không ai trị được nó.

Hứa Thường hoàn toàn bó tay, chỉ còn biết nhận mệnh mình xui xẻo.

Ai ngờ ta không chọc ghẹo nó.

Nhưng A Hổ lại chọc đến ta.

Nó trộm con gà lông sặc sỡ của ta, mang ra sau núi nướng ăn.

Đùi gà nóng quá nên cầm không nổi mà rơi xuống đất, nó cũng chẳng ngại bẩn nhặt lên phủi phủi đất bên ngoài rồi nhét vào miệng.

Nuốt xuống làm động đến vết thương, đau đến nỗi nó hít một hơi, nhưng không cản được nó ăn ngấu nghiến.