Nó ăn chăm chú đến mức không nhận ra ta đang đứng phía sau.
Ta vỗ vỗ vai nó:
“Gà lông sặc sỡ này nướng như vậy ăn không ngon đâu.”
A Hổ giật mình một cái, bị sặc, ho sặc sụa.
Ta vỗ nhẹ lưng nó:
“Gà lông sặc sỡ phải hầm với nấm, hoặc xào rồi làm món ăn kèm mì.”
Hai bát canh gà, một bát của nó, một bát của ta.
Chỉ là bát của nó có hai cái đùi gà.
Giống như khi xưa ta nấu canh gà cho Bách nhi và Mạnh Hạc Thư, hai cha con mỗi người một cái đùi.
A Hổ nhìn ta đầy nghi ngờ, nhưng không thể cưỡng lại mùi thơm của canh gà và cái đùi gà béo ngậy.
“Ngươi định làm gì ta?”
“Ta muốn nói với ngươi rằng gà lông sặc sỡ thích hợp để hầm canh.”
“Canh này có độc không? Ngươi nghĩ ta không dám ăn à?”
A Hổ như quyết tâm, bưng bát canh lên.
Ta thấy nó vừa uống ngụm đầu tiên đã tròn xoe mắt.
Nó ăn như một kẻ đói khát lâu ngày vậy, ta nghi ngờ rằng nó suýt nữa nuốt luôn cả lưỡi.
Ta không khỏi cảm thán, đúng thật là không sai khi người ta nói: nửa lớn nửa bé, ăn hết tiền của cha.
Đến tận khi bát canh gà thứ ba xuống bụng thì ánh mắt của A Hổ sáng lên, có chút tỉnh táo tinh thần sảng khoái.
“Sau này nếu đói, đừng ăn trộm nữa, có thể đến đây ăn cơm.”
Nó dùng tay áo bẩn đến mức không còn nhận ra màu sắc để lau miệng.
Nó cong môi muốn nói gì đó với ta nhưng vừa ngẩng đầu thấy Hứa Thường bước vào, chưa kịp nói lời cảm ơn đã đặt bát xuống và chạy mất.
Hứa Thường nhìn theo bóng lưng nó mà nhổ nước bọt:
“Phu nhân chớ mềm lòng, đó là một con sói con vô ơn.”
Không phải ta mềm lòng.
Ta chỉ nghĩ rằng một đứa trẻ biết quý trọng lương thực, thì không đến nỗi hư hỏng.
Nhưng ngày hôm sau, giàn đậu ta dựng sau trường đã bị đổ.
Hứa Thường dẫn theo một đám người đến làm chứng, A Hổ đứng luống cuống bên cạnh giàn đậu bị đổ.
Chưa đợi ta lên tiếng hỏi thăm đầu đuôi thì A Hổ đã đẩy mạnh khiến Hứa Thường ngã xuống rồi vội vàng chạy đi.
“Đúng là tên tiểu súc sinh! Phu nhân đối tốt với nó như thế mà nó lại đến phá hoại vườn của thư viện.”
Ta suy nghĩ một lúc rồi nói:
“Đêm qua gió thổi suốt đêm, lại mưa rất to, có lẽ là ta không dựng giàn kỹ.”
Ngay buổi tối hôm đó ngoài sân có một cái bóng lén lút.
Ta hâm nóng lại canh gà hôm qua, mùi thơm bay ra, cái bóng ấy không chịu nổi nữa.
“…Giàn đậu không phải do ta đẩy, đêm qua nghe tiếng gió, ta liền nghĩ giàn đậu của ngươi có bị gió thổi đổ không, nên chạy đến xem.”
“Nói ra là tốt rồi, sao lại phải chạy?”
A Hổ cúi đầu, giọng nói bỗng nghẹn ngào:
“Ta không muốn chạy, nhưng ta sợ ngươi chưa hỏi đã mắng ta trước.”
“Vậy sau này có chuyện gì, ta sẽ hỏi ngươi trước, được không?”
A Hổ không trả lời.
Nó bưng bát canh lên uống, cái bát che kín mặt mà mãi vẫn không chịu đặt xuống.
Ta bèn cười nói với nó:
“Gà lông sặc sỡ mà ăn với nước mắt cũng không ngon, sẽ mặn lắm đấy.”
05
Chớp mắt đã đến mùa hạ.
Trong sân ve kêu rả rích, bóng râm lan tràn khắp nơi.
Các tiên sinh đi du học, đã ra ngoài từ lâu.
Hôm nay rảnh rỗi, ta tháo quần áo và chăn chiếu của học sinh ra phơi và giặt.
“Không đọc sách, đầu óc ta ngu lắm.” A Hổ giúp ta dựng lại giá phơi quần áo, liên tục lắc đầu, “Vả lại, người trong thư viện đều ghét ta, ta cũng ghét họ.”
A Hổ mười tuổi, lớn hơn Bách nhi ba tuổi.
Bách nhi đã biết thuộc lòng thiên tự văn, còn biết tính toán vài khoản nhỏ.
Còn A Hổ thì chẳng hiểu gì, mấy chữ to cũng không biết đọc.
Ta nghĩ đến việc tích góp tiền trong nửa năm, rồi tìm thầy học cho A Hổ.
“Ngươi không biết chữ, lại không có tay nghề, sau này người ta bắt nạt ngươi thì làm sao?”
“Nếu người ta bắt nạt ta, ta sẽ tìm mẫu thân chống lưng!”
“Lúc đó mẫu thân đã già rồi, ngươi sẽ làm gì?”
Lời này khiến A Hổ buồn bã, nó nắm chặt lấy tay áo của ta:
“Mẫu thân không được già! Không bao giờ được già!”
“Được, được, mẫu thân không già, mẫu thân sẽ luôn ở bên ngươi.”
Ta ngồi xuống, lau nước mắt cho nó.
Chợt nghe thấy có người gọi ta từ phía sau, giọng nói ấy mang theo sự vui mừng không thể tin nổi:
“A Kiều?”
Gió thổi làm quần áo trong sân phồng lên như những cánh buồm trên mặt nước, mờ mờ ảo ảo.
Ta đứng dậy, nhìn thấy Mạnh Hạc Thư dắt Bách nhi đứng sau cánh buồm, như ở bờ đối diện:
“Là A Kiều sao?”
Có lẽ vì chăm sóc thai phụ mệt nhọc, Mạnh Hạc Thư gầy đi rất nhiều.
Chàng không dám tiến lại gần, cứ ngẩn ngơ nhìn ta, nhìn lâu đến mức mắt đỏ hoe nhưng thân thể vẫn chẳng nhích lên đượ bước nào.
Là Bách nhi vùng khỏi tay chàng, gọi ta mẫu thân, định như thường lệ nhào vào lòng ta làm nũng.
Nhưng lại bị A Hổ đẩy ngã một cái.
A Hổ cảnh giác ôm lấy tay ta, tư thế của nó như một con hổ con bảo vệ miếng mồi:
“Ngươi là ai! Sao dám gọi mẫu thân của ta là mẫu thân!”
Mạnh Hạc Thư giật mình, nhưng khi thấy A Hổ còn cao hơn cả Bách nhi, thì nửa phần nghi ngờ liền tiêu tan.
Ta đương nhiên không tự đa tình nghĩ rằng Mạnh Hạc Thư vội vã vượt ngàn dặm đường là để tìm ta.
Ta đột nhiên hiểu ra, kiễng chân nhìn về phía sau lưng chàng:
“Ngươi đến đây, là vì Ngọc Chi cô nương cũng đến phải không?”
Thấy ta hỏi thăm chàng như vậy, trong mắt Mạnh Hạc Thư đầy sự chua xót.
Không phải ta cẩn trọng.
Trước đây khi ở cùng Mạnh Hạc Thư, ta cũng từng tự đa tình.
Ta đã nghĩ rằng Mạnh Hạc Thư yêu ta từ cái nhìn đầu tiên, nên khi khách nói đồ ăn của ta có độc, chàng mới đúng dịp làm anh hùng cứu mỹ nhân.
Ta đã nghĩ rằng Mạnh Hạc Thư tính tình ôn hòa, bảy năm trước chàng uống say nói muốn cưới ta là mượn rượu để lấy can đảm.